Chương trình Sữa học đường nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChính phủ đưa ra mục tiêu lớn: Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90 -95% vào năm 2020; Đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Quyết định 1340/QĐ-TTg cũng nhấn mạnh giải pháp ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường; nêu rõ các quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng…
TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016 tổng số học sinh mẫu giáo là 3.755.000 cháu; tổng số học sinh tiểu học là 7.543.700 cháu; áp dụng định mức 220 ml sữa học đường/ngày/học sinh và uống 260 ngày/học sinh/năm như mô hình của Thái Lan thì cần 587.532 tấn sữa tươi để chế biến sữa học đường. Năm 2015 vừa qua, tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong năm 2015 là 723.153 tấn, trong đó có một số doanh nghiệp có khả năng cung ứng sữa tươi rất lớn, ví dụ như TH true milk. Vì vậy, tôi khẳng định Việt Nam đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến sữa tươi phục vụ Chương trình.
Chương trình Sữa học đường sẽ góp phần giúp cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được có cơ hội uống sữa, cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, tầm vóc
Ngày 28/9/2016, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, tập đoàn TH tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Sữa học đường- Vì tầm vóc Việt”. Chương trình được tổ chức ở 3 điểm cầu: Hà Nội (Trung tâm Hội nghị Quốc gia); Nghệ An (trang trại TH, huyện Nghĩa Đàn); Thành phố Hồ Chí Minh (đường hoa Nguyễn Huệ), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam vào lúc 20h15.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến nghị trẻ em trong độ tuổi vàng từ 2 tới 12 tuổi phải được uống sữa, nhưng không phải bất kỳ sữa nào cũng uống được mà các em cần uống những loại sữa tươi đúng tiêu chuẩn sữa học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp với nhu cầu từng lứa tuổi.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 8/7/2016.
Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện quyết tâm chính trị, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình và cộng đồng xã hội đối với trẻ em, đối với tương lai của đất nước.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành văn bản chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với sở y tế tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh triển khai chương trình trên địa bàn; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Quỹ Vì tầm vóc Việt xây dựng chương trình phối hợp thực hiện chương trình sữa học đường Vì tầm vóc Việt.
T.Fan
(PL&XH)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại