Chuyển đổi số - xu hướng của báo chí hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện nay |
Thế mạnh từ mạng xã hội
Theo nhà báo Lê Hồng – Ban Truyền thông & Phổ biến kiến thức VUSTA: Truyền thông đa phương tiện là sự kết hợp tri thức giữa truyền thông báo chí và công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện, ứng dụng và tương tác trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Đây là một ngành nghề mới, phát triển như vũ bão nhờ đôi cánh của cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0, vì vậy còn được mệnh danh là “ngành nghề của thời đại”.
Những năm gần đây, truyền thông đa phương tiện được săn đón rấm rộ bởi tính ứng dụng cao và cơ hội làm việc rộng mở. Với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, không một lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nào không cần đến truyền thông và các sản phẩm đa phương tiện. Với nhu cầu lớn và tính hấp dẫn của truyền thông đa phương tiện, nhiều người trăn trở, đắn đo không biết liệu mình có phù hợp để “nhảy” sang làm ngành này không!?
Hiện nay, doanh thu nội dung số phần lớn đi vào các mảng phi tin tức, còn doanh thu quảng cáo số thì rơi chủ yếu vào tay các nhà công nghệ cung cấp dịch vụ và nền tảng như Facebook, Google... Trong mặt bằng báo chí hiện nay, chỉ có vài tờ báo số ra đời và trưởng thành chỉ trong môi trường số, như VnExpress chẳng hạn. Mạng xã hội (MXH), về cơ bản, ít sản xuất nội dung, họ chỉ cung cấp nền tảng và các tiện ích tương tác để người sử dụng tự sản xuất và phân phối nội dung với nhau. Tầm với rộng lớn đến hàng trăm triệu, hàng tỉ người khiến MXH trở thành một kênh phân phối không thể thiếu cho báo chí.
Nhưng oái ăm là báo chí có thể sử dụng MXH để tăng lượng truy cập hay xây dựng quan hệ với độc giả, nhưng không kéo được quảng cáo từ MXH về cho mình. MXH tự dựng hưởng hết thành quả từ những nội dung mà báo chí đầu tư tốn kém để tạo ra. MXH ngày càng phình to trong khi báo chí càng lúc càng co lại. Đó là chưa kể MXH cũng mang những mặt trái đáng sợ cần được báo chí theo dõi và loại bỏ, như tình trạng tin giả tràn lan, hay kích động bạo lực. Sự bất công đó là một khiếm khuyết của thị trường mà đã là sự khiếm khuyết thị trường thì cần sự can thiệp của Nhà nước để chỉnh sửa.
Câu chuyện “liệu cơm gắp mắm”
Theo nhà báo Đặng Đình Chấn - Tạp chí Việt Nam hội nhập: Trong công cuộc chuyển đổi số nói chung, báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói chuyển đổi số báo chí là một yêu cầu không thể không làm, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng thông tin truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. Mà độc giả đã như vậy thì các CQBC phải đuổi theo và thậm chí đón đầu họ ở các nền tảng mới. Nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại và sau đó mới có thể phát triển, thậm chí nếu thành công sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Chuyển đổi số báo chí không chỉ là đầu tư thiết bị công nghệ mà còn cần tập trung làm nội dung cho tốt, vì không có nội dung tốt và gắn được với nhu cầu thực tiễn thì không có độc giả, cũng có nghĩa là không tạo được điều kiện để có nguồn thu cho tái đầu tư cho phát triển. Mà muốn có nội dung tốt thì yếu tố quyết định là “Con người”.
Cho nên, cũng có thể nói, chuyển đổi số trong CQBC không phải là một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo nói chung và của người đứng đầu CQBC nói riêng. Hai yếu tố quan trọng nhất là thiết bị công nghệ và con người, phải được tạo dựng song hành và nâng cao trên cơ sở yêu cầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, để các CQBC chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ các tảng giúp các CQBC chuyển đổi số...
Về giải pháp để báo chí thực hiện chuyển đổi số, có thể có nhiều giải pháp khác nhau tùy theo các cấp độ khác nhau của CQBC, nhưng theo Đặng Đình Chấn, có 3 giải pháp căn bản gồm:
Thứ nhất, CQBC phải coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; chọn cho mình đối tượng công chúng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tránh trùng lặp thông tin. Đồng thời phải xây dựng được nội dung có tính thu hút và thuyết phục thông qua những bài viết có chiều sâu, trung thực, khách quan đối với vấn đề đặt ra.
Thứ hai, CQBC cần đặc biệt quan tâm xây dựng tiềm lực con người – đó là đội ngũ những người làm báo vừa có tâm, có tầm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất trong điều kiện hiện nay; đặc biệt là đối với các CQBC nhỏ, tiềm lực hạn chế…
Thứ ba, cần đầu tư xây dựng tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, linh hoạt, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông; coi trọng các nền tảng công nghệ, quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, coi trọng nhân tài gắn với sự điều hành hiệu quả của bộ máy lãnh đạo tòa soạn. Đây là lĩnh vực cần đến nguồn lực tài chính không nhỏ; có thể đầu tư trên cơ sở khả năng, nhu cầu thực tế của CQBC.
![]() | Nâng cao vai trò của báo chí trong thực hiện công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện |
![]() | Các cơ quan báo chí trên địa bàn Vĩnh Phúc bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại