Thứ ba 01/07/2025 09:00
Luật Thủ đô 2024

Cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm TP Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm TP, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện (thực hiện Điều 36 Luật Thủ đô 2024).
Phòng thí nghiệm của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Ảnh: N.M
Phòng thí nghiệm của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Ảnh: N.M

Cơ chế hoạt động, kiểm tra giám sát Quỹ đầu tư mạo hiểm TP

Theo đó, cơ cấu tổ chức của Quỹ đầu tư mạo hiểm gồm: đại hội nhà đầu tư; hội đồng quản lý quỹ; công ty quản lý quỹ; hội đồng tư vấn chuyên môn. Trong đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm TP do UBND TP (đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội) và tối đa 07 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên hợp đồng góp vốn. Đại hội nhà đầu tư gồm tất cả các nhà đầu tư góp vốn vào Quỹ đầu tư mạo hiểm TP, thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ, tương ứng với tỷ lệ vốn góp của từng nhà đầu tư.

Đại hội nhà đầu tư, có nhiệm vụ và quyền hạn: quyết định việc góp vốn, thoái vốn của nhà đầu tư tham gia quỹ; thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ, tương ứng với tỷ lệ vốn góp của từng nhà đầu tư; đề xuất tăng hoặc giảm vốn điều lệ của quỹ; bầu, giới thiệu thành viên tham gia hội đồng quản lý quỹ; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của quỹ.

Hội đồng quản lý quỹ được bầu bởi đại hội nhà đầu tư, gồm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng (đại diện phần vốn góp của ngân sách Nhà nước và đại diện của các nhóm nhà đầu tư hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực). Số lượng thành viên do tối đa 09 người.

Hội đồng quản lý quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn: thực hiện nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư; quyết định chiến lược, kế hoạch hoạt động 05 năm, hằng năm của quỹ; ban hành điều lệ của quỹ đầu tư mạo hiểm TP; ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng và giám sát hoạt động của công ty quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm TP. Hợp đồng quản lý quỹ quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý quỹ, phí quản lý và các vấn đề liên quan khác; phê duyệt chủ trương đầu tư vào các dự án cụ thể (dựa trên đề xuất của Công ty quản lý Quỹ);

Quyết định về chiến lược và phương thức thoái vốn cho từng khoản đầu tư; phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm của quỹ; giám sát, kiểm tra hoạt động của công ty quản lý quỹ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ và giám sát việc thực hiện các quyết định đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ quỹ.

Công ty quản lý quỹ được Quỹ đầu tư mạo hiểm TP thuê để thực hiện việc quản lý vốn và hoạt động đầu tư theo hợp đồng quản lý quỹ ký kết với ban đại diện quỹ. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của công ty quản lý quỹ được quy định trong hợp đồng quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ được quản lý vốn, thực hiện hoạt động đầu tư, hưởng phí quản lý và các quyền khác theo hợp đồng quản lý quỹ và quy định của pháp luật.

Công ty quản lý quỹ có nghĩa vụ quản lý quỹ một cách chuyên nghiệp, trung thực, vì lợi ích của nhà đầu tư, tuân thủ pháp luật, điều lệ của quỹ và hợp đồng quản lý quỹ; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng chiến lược và quy trình đã được phê duyệt; báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình quản lý quỹ cho ban đại diện và các nhà đầu tư; và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quản lý quỹ.

Hội đồng tư vấn chuyên môn là các chuyên gia, nhà khoa học được quỹ thuê để tham gia thẩm định độc lập các dự án, nhóm dự án theo đề nghị của quỹ. Tối đa không quá 15 người. Thành viên hội đồng tư vấn chuyên môn không cố định, được thành lập theo từng lĩnh vực. Ý kiến của hội đồng tư vấn chuyên môn là cơ sở để hội đồng quản lý quỹ quyết định đầu tư. Cùng với đó, UBND Thành phố, hội đồng quản lý quỹ thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm TP; thực hiện các kiến nghị đối với các vướng mắc, tồn tại, hạn chế của quỹ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Chia sẻ về Quỹ đầu tư mạo hiểm TP, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách là một hình thức đầu tư đặc biệt, trong đó một phần vốn của quỹ được đóng góp từ ngân sách Nhà nước.

Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các DN khởi nghiệp. Khi kết hợp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, hiệu quả của các quỹ này càng được nhân lên. Nhiều quốc gia phát triển đã nhận thấy tầm quan trọng của quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiều nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là những quỹ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Việc đưa quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách vào Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo ra những tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội như: tạo nguồn vốn ổn định; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường vị thế của Hà Nội; phát triển công nghiệp; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; tạo ra việc làm; thu hút đầu tư nước ngoài; lan tỏa mô hình thành công, khuyến khích các địa phương khác học hỏi, áp dụng; đóng góp vào nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ths Thạch Lê Anh, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm cho biết, với mô hình quỹ hợp tác công – tư, đây là mô hình phổ biến, trong đó, chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ có thể sử dụng ngân sách để đóng góp một phần vốn ban đầu, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Một ví dụ điển hình là Singapore, nơi chính phủ đã thành lập các quỹ đầu tư công nghệ với sự tham gia của Nhà nước và tư nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo Ths Thạch Lê Anh, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, thì cần tham gia đầu tư để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới.

"Việc triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Hà Nội và nền kinh tế quốc gia, giúp thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo việc làm và cải thiện chất lượng lao động; phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống", Ths Thạch Lê Anh nhấn mạnh.

Với sự phân cấp mạnh về thẩm quyền đầu tư không giới hạn quy mô vốn với các dự án không dùng vốn ngân sách Nhà nước và được nhận uỷ quyền cho phép quyết định đầu tư các dự án dùng vốn ngân sách Nhà nước thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ,... thì Hà Nội đã có trong tay bộ công cụ rất mạnh để tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô.

Điều 36 Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đề án thành lập sàn giao dịch công nghệ Hà Nội
Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao
Minh Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động