Thứ hai 12/05/2025 03:19

Công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy định, công chứng viên của văn phòng công chứng đặt trụ ở tại Hà Nội chỉ có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi Thành phố Hà Nội. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tỉnh X –ngoài phạm vi Hà Nội thì không thuộc thẩm quyền của công chứng viên của văn phòng công chứng đặt trụ ở tại Hà Nội.

Hỏi: Tôi và anh B thường trú tại Hà Nội. Anh B có một trang trại ở tỉnh X, do không còn nhu cầu sử dụng nên anh B đã bán lại cho tôi. Tôi tính trước mắt làm trang trại và sau này làm tài sản thừa kế cho con trai. Tôi và anh B làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đem đến một văn phòng công chứng tại Hà Nội để công chứng. Tại văn phòng công chứng, công chứng viên chỉ nhận công chứng di chúc của tôi còn hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất trang trại ở tỉnh X kia thì bị từ chối. Tôi có hỏi lại thì họ nói không có thẩm quyền, nếu nhận công chứng hợp đồng chuyển nhượng đó thì họ sẽ bị phạt. Tôi băn khoăn không biết công chứng viên đó nói có đúng không hay họ đang gây khó dễ, sách nhiễu. Tôi xin hỏi nếu đúng như lời công chứng viên nói thì khi nhận công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất của chúng tôi, công chứng viên sẽ vi phạm quy định gì và sẽ bị phạt như thế nào?

(Lê Đình Khánh, trú tại Tây Hồ, Hà Nội)

cong chung hop dong giao dich ve bat dong san trong pham vi tinh thanh pho noi to chuc hanh nghe cong chung dat tru so
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 37 Luật công chứng quy đinh thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản như sau:

“1. Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.”

Theo quy định trên, công chứng viên của văn phòng công chứng đặt trụ ở tại Hà Nội chỉ có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi Thành phố Hà Nội. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại tỉnh X –ngoài phạm vi Hà Nội thì không thuộc thẩm quyền của công chứng viên của văn phòng công chứng đặt trụ ở tại Hà Nội. Nếu nhận công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng thẩm quyền thì công chứng viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP; cụ thể:

“Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề công chứng

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản;

b) Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

c) Cho người khác sử dụng thẻ công chứng viên của mình để hành nghề công chứng;

d) Công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà không có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó; không được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng, giao dịch đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch;

e) Công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

g) Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung thẻ công chứng viên.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c, g, h Khoản 2 Điều này.

b) Tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Công chứng viên có hành vi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP: “Công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở…”

Áp dụng Điều 4 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định mức phạt tại Điều 14 được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với công chứng viên có hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở là 8.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 14 Nghị định 110/2013/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP, công chứng viên có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này”.

Bình Minh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động