Thứ sáu 24/01/2025 14:19
Giải đáp chính sách

Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi làm việc trong một công ty TNHH. Hiện nay tôi đã mang thai được 3 tháng, hôm vừa rồi do làm việc bất cẩn nên tôi đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp đang bàn bạc về việc xử lý kỷ luật đối với tôi. Tôi đang rất lo lắng về việc sẽ bị kỷ luật. Chồng tôi động viên rằng tôi sẽ không bị kỷ luật lao động vì đang mang thai. Xin hỏi chồng tôi nói như vậy có đúng không? Nếu công ty vẫn kỷ luật tôi thì có đúng quy định không? Nếu công ty kỷ luật sai quy định thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?  

(Nguyễn Minh Anh, trú tại Thanh Trì , Hà Nội)

xu ly ky luat lao dong doi voi lao dong nu dang trong thoi gian mang thai se bi xu phat vi pham hanh chinh
Ảnh minh họa

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Tại Điều 123 Bộ luật lao động quy định nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:

“Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.”

Theo quy định trên, không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian lao động nữ có thai. Vì vậy, ý kiến của chồng bạn là đúng. Nếu công ty bạn thực hiện xử lý kỷ luật bạn là vi phạm quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động quy dịnh tại khoản 4 Điều 123 Bộ luật lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

“Điều 27. Vi phạm quy định về lao động nữ

...

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Lao động;

c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;

d) Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật Lao động trừ trường hợp việc làm cũ không còn;

đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

g) Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật Lao động...”

Công ty có hành vi xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với công ty có hành vi Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai là 30.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động