Thứ hai 03/02/2025 11:57

Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp...

Hỏi: Tôi có nhu cầu thực hiện công chứng một số giấy tờ nhà đất. Tôi có gọi điện đến một văn phòng công chứng để biết thời gian làm việc của họ rồi sắp xếp thời gian mang tài liệu đến công chứng. Tuy nhiên, một công chứng viên có gợi ý với tôi rằng nếu tôi bận thì họ có thể cử người đến chỗ tôi để làm dịch vụ và tôi phải giữ bí mật về chuyện này. Tôi băn khoăn việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng như vậy có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?

(Phan Tùng Lâm, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội)

cong chung ngoai tru so cua to chuc hanh nghe cong chung
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 44 Luật công chứng quy định về địa điểm công chứng như sau:

“Điều 44. Địa điểm công chứng

1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”

Việc công chứng viên thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng mà không thuộc các trường hợp người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng là vi phạm quy định về địa điểm thực hiện công chứng theo quy định của Điều 44 Luật công chứng. Hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP; cụ thể:

“Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề công chứng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 44 của Luật Công chứng;

b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;

c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;

d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng

e) Không đeo Thẻ công chứng viên khi tiếp người yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.”

Hành vi công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định tại Điều 44 Luật công chứng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 4 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định mức phạt tại Điều 14 được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với hành vi công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định là 2.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Đỗ Hưng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động