Công nghệ số và dữ liệu dân cư hỗ trợ hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an TP phát biểu tại hội thảo. |
“Vũ khí sắc bén”
Ngày 26/4, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, các phần mềm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội.
Dự hội thảo có Đại tá Vũ Văn Tấn - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an TP (CATP) Hà Nội chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc CATP nhấn mạnh: năm 2022, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã chỉ đạo công an các địa phương về việc rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng liên quan đến các hoạt động điều tra tố tụng, thi hành án; hoạt động nghiệp vụ, trinh sát và các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính vào hệ thống CSDLQG về dân cư, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ngày 28/2/2022, CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 59 về tổng rà soát, lập danh sách, cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng liên quan đến các hoạt động điều tra tố tụng, thi hành án, hoạt động nghiệp vụ và các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính vào hệ thống CSDLQG về dân cư phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn.
Trong hơn 3 năm triển khai thực hiện, những ứng dụng của CSDLQG về dân cư đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những yếu tố cốt lõi, quan trọng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là công cụ kỹ thuật phục vụ cải cách hành chính, mà còn là hạ tầng dữ liệu số thiết yếu trong công tác quản lý xã hội hiện đại. Đặc biệt là trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Dữ liệu dân cư, với khối lượng thông tin đồ sộ, đa dạng và liên tục cập nhật thường xuyên về nhân khẩu, cư trú, di biến động cùng nhiều dữ liệu khác, đều là những nội dung quan trọng hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm một cách hiệu quả.
Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh: trong bối cảnh tội phạm ngày càng có xu hướng công nghệ hóa, ẩn danh, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, thì công nghệ số và dữ liệu dân cư chính xác chính là “vũ khí sắc bén” để chúng ta đi trước, đón đầu, chủ động kiểm soát tình hình”…
![]() |
Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an phát biểu tại buổi hội thảo. |
Tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã giới thiệu tổng quan về ứng dụng CSDLQG về dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử, các phần mềm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nêu rõ, đây là phần mềm căn bản hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, giảm bớt các khâu nhưng vẫn đảm bảo công tác điều tra đạt hiệu quả, làm sạch làm giàu dữ liệu nội ngành, ngoại ngành nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đại tá Vũ Văn Tấn đề nghị các lực lượng thuộc CATP nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả về phần mềm này, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng, tạo lập hệ thống dữ liệu về người nước ngoài, từ đó bổ sung vào phần mềm, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý cư trú.
Cũng tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP điều hành phần thảo luận. Đại diện chỉ huy các phòng chức năng CATP đã tập trung thảo luận về kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, những kinh nghiệm trong công tác xây dựng, khai thác CSDLQG về dân cư phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương; đồng thời nêu ra những điểm vướng mắc trong việc triển khai ứng dụng CSDLQG về dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử, các phần mềm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới. Các ý kiến đưa ra đều được Đại tá Vũ Văn Tấn ghi nhận, giải đáp…
Tránh việc lộ lọt thông tin
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc CATP khẳng định: “Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào phòng chống tội phạm không chỉ là một yêu cầu cấp thiết, mà còn là thước đo năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực thi nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Cần phải xác định mỗi đơn vị, mỗi khâu là một mắt xích nối liền nhau, chỉ cần một khâu chậm trễ trong công tác phối hợp sẽ ảnh hưởng đến các khâu phía sau, dẫn đến nguy cơ sót lọt tội phạm”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc CATP giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc CATP: trong thời đại chuyển đổi số quốc gia, khi tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội với những hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, được tổ chức bài bản, sử dụng công nghệ cao để che giấu tung tích, thì lực lượng cảnh sát không thể tiếp tục làm nghiệp vụ theo tư duy, phương pháp truyền thống. Các đơn vị cần khẩn trương nhận thức việc chuyển đổi trạng thái sang ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật là tất yếu và cần thiết.
Các đơn vị phải chủ động xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, đầy đủ, có tính liên kết và chia sẻ cao; nhất là hệ thống quản lý đối tượng phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật; phân loại rõ ràng dữ liệu: đối tượng hình sự, ma túy, đối tượng có tiền án tiền sự, có biểu hiện nghi vấn, các đối tượng trong diện quản lý giáo dục tại cộng đồng, quản lý sau cải tạo... để phục vụ trực tiếp công tác chỉ huy, chỉ đạo, nghiệp vụ tại công an cơ sở.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu, hệ thống dữ liệu phải được khai thác thường xuyên để chủ động phân tích tình hình địa bàn, phát hiện sớm điểm nóng và các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội. Tuy nhiên, cần bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống thông tin dữ liệu, phân cấp, phân quyền truy cập để tránh việc lộ lọt thông tin, lợi dụng, sử dụng thông tin sai mục đích...
“Chúng ta đang đứng trước thời cơ và thách thức đan xen. Việc ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn là một bước đi quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá lực lượng Công an Nhân dân, đảm bảo chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại