Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ảnh minh họa. |
Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo
Theo nội dung Quy chế, Ban Chỉ đạo hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trong đó mọi vấn đề được thảo luận tập thể, nhưng người đưa ra kết luận cuối cùng là Trưởng Ban Chỉ đạo. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong chỉ đạo, đồng thời khuyến khích sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm từ mỗi thành viên.
Đáng chú ý, Quy chế nhấn mạnh rằng Ban Chỉ đạo, các thành viên và Tổ Công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước. Thay vào đó, mỗi cá nhân, đơn vị phải phát huy vai trò trong phạm vi quyền hạn, đảm bảo công việc được thực hiện đúng chức năng và trình tự pháp luật.
Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, tích cực phối hợp với các bên liên quan, chia sẻ thông tin để xử lý công việc hiệu quả. Trường hợp phát sinh ý kiến khác biệt, các thành viên có trách nhiệm báo cáo kịp thời để Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Về hình thức làm việc, Ban Chỉ đạo có thể tổ chức các cuộc họp định kỳ, họp đột xuất, hội nghị – hội thảo chuyên đề, cho ý kiến bằng văn bản, hoặc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát. Việc linh hoạt hình thức giúp đáp ứng nhanh yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh chuyển động nhanh của công nghệ và xã hội.
Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ các Tổ Công tác
Để triển khai hiệu quả công việc chuyên sâu, Ban Chỉ đạo thành lập các Tổ Công tác chuyên đề, có chức năng giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối, giám sát và thúc đẩy tiến độ nhiệm vụ theo từng lĩnh vực.
Quy chế quy định rõ quyền hạn và nhiệm vụ chung của các Tổ Công tác:
- Ban hành quy chế tổ chức, hoạt động riêng;
- Chỉ định cơ quan thường trực của Tổ Công tác;
- Kiện toàn nhân sự khi có thay đổi;
- Đảm bảo điều kiện vận hành, bao gồm cả sử dụng con dấu của cơ quan chủ quản.
Đặc biệt, các Tổ Công tác có quyền huy động chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước khi cần thiết để hỗ trợ triển khai nhiệm vụ, nhưng phải đảm bảo bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu theo đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tổ Công tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Đây là một trong những Tổ Công tác trọng tâm, với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Ban Chỉ đạo các nội dung liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (không bao gồm nội dung gắn với Đề án 06).
Tổ này có trách nhiệm:
- Tham mưu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển khoa học công nghệ;
- Đề xuất chiến lược, chương trình trọng điểm quốc gia;
- Đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện nhiệm vụ liên quan;
- Gửi báo cáo định kỳ về cơ quan thường trực phục vụ họp định kỳ, đột xuất.
Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Tổ Công tác này chịu trách nhiệm thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời theo dõi và đôn đốc cải cách thủ tục hành chính gắn với Đề án 06.
Ngoài việc nghiên cứu chính sách, chiến lược, tổ này còn tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai Đề án 06, đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối dữ liệu dân cư với các dịch vụ công trực tuyến và hệ sinh thái số.
Tổ Công tác cải cách hành chính
Khác với Tổ Công tác Đề án 06, Tổ này tập trung vào các nội dung cải cách hành chính nói chung trên phạm vi toàn quốc (ngoài các nội dung đã gắn với Đề án 06). Các nhiệm vụ bao gồm:
- Nghiên cứu cải cách tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục;
- Đề xuất đổi mới quản trị công vụ;
- Tham mưu kế hoạch hoạt động hàng năm;
- Giám sát, tổng hợp tình hình triển khai và báo cáo kết quả.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
Theo Quy chế, Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đóng vai trò hạt nhân trong tổ chức và điều phối chung toàn bộ hoạt động. Cơ quan thường trực có các nhiệm vụ chính sau:
- Xây dựng và trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác;
- Phối hợp các Tổ Công tác tổng hợp nội dung, chuẩn bị tài liệu cho các kỳ họp;
-Theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai các quyết định, kết luận của Ban Chỉ đạo;
- Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện chương trình công tác;
- Đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật;
- Quản lý hồ sơ, tài liệu và đảm bảo điều kiện hậu cần cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo và các Tổ Công tác đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Riêng Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban là lãnh đạo Chính phủ được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong triển khai công việc. Các thành viên còn lại và Tổ Công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình.
![]() | Hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo |
![]() | Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại