Thứ hai 14/07/2025 16:36

Công nghiệp, xuất khẩu với nhiều gam màu sáng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, xuất khẩu bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2025 đang cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì đà phục hồi bền vững, vẫn cần những chính sách linh hoạt và chiến lược chủ động hơn.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. 						Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Sản xuất công nghiệp tăng tốc mạnh mẽ

Quý II/2025 ghi nhận bức tranh tươi sáng của ngành sản xuất công nghiệp, với mức tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo, “trái tim” của toàn ngành, đã vươn lên ấn tượng với mức tăng 12,3%. Đây không chỉ là những con số khả quan mà còn là minh chứng rõ ràng cho nội lực phục hồi và bứt phá của kinh tế Việt Nam sau những năm chịu tác động của đại dịch và bất ổn toàn cầu. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2020. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng này đạt được trên nền tảng tăng trưởng cao của năm trước, cho thấy xu hướng đi lên không chỉ là nhất thời mà mang tính ổn định.

Theo Cục Thống kê, nhiều yếu tố cấu thành nên bức tranh tích cực này: mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phát huy hiệu quả trong việc tinh giản thủ tục hành chính; chiến dịch chống hàng giả, hàng nhái tạo niềm tin cho DN; và đặc biệt, tốc độ giải ngân đầu tư công cùng làn sóng FDI đổ vào bất động sản đã thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu như

xi-măng, thép, bê tông tăng tốc mạnh mẽ. Lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục là động lực then chốt dẫn dắt đà phục hồi. Nhóm ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu như điện tử, dệt may, da giày đang được hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại song phương, đặc biệt là khung thỏa thuận thuế mới với Mỹ. Trong đó, điện tử và máy tính tiếp tục là những mũi nhọn thu hút FDI lớn nhất, hứa hẹn đóng vai trò chủ lực trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng ấy vẫn tồn tại những “điểm trũng” cần lưu tâm. Ngành khai khoáng tiếp tục giảm 3% so với cùng kỳ, kéo dài xu hướng đi xuống trong nhiều năm qua. Đáng ngại hơn, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu tới 8,2%, cho thấy sự suy yếu về nguồn lực cơ bản. Một số ngành tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong quý II như: chế biến gỗ (giảm từ 16,2% xuống 5,8%), sản xuất nội thất (giảm từ 12,6% xuống 10,9%). Thêm vào đó, chỉ số tồn kho trung bình 6 tháng đầu năm ngành chế biến, chế tạo đạt tới 85,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2024 (76,9%). Đây là dấu hiệu cảnh báo áp lực đầu ra vẫn còn lớn, cần được xử lý kịp thời.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. 						Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng

Trong khi sản xuất công nghiệp tạo đà trong nước, thì xuất khẩu lại đóng vai trò quan trọng trong giữ nhịp tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Kim ngạch xuất khẩu quý II đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng hóa cán mốc 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%. Một thành tích ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Có tới 28 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó 9 mặt hàng vượt 5 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng kim ngạch. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm ưu thế vượt trội với 194,28 tỷ USD, tương đương 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nhóm nông, lâm, thủy sản lần lượt đóng góp 8,7%, 2,3% và 0,6%.

Một điểm đáng ghi nhận là khu vực FDI tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu. Các tập đoàn công nghệ lớn không chỉ gia tăng sản xuất mà còn mở rộng thị phần toàn cầu nhờ tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP. Chính phủ, các bộ, ngành, DN tăng cường thúc đẩy mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, đẩy mạnh logistics, hải quan điện tử, cải thiện thủ tục xuất khẩu đã đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua.

Tuy kết quả xuất khẩu 6 tháng rất tích cực, nhưng tháng 6/2025 lại chứng kiến một bước chững khi kim ngạch giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước, xuống còn 39,49 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy xuất khẩu vẫn chịu tác động từ biến động thị trường toàn cầu, chi phí logistics và rào cản kỹ thuật. Cục Thống kê đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng. Trước hết là tái cấu trúc chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng chủ động, bền vững, thích ứng nhanh. DN cần tích cực phân tán chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường tới những khu vực giàu tiềm năng như: Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi và đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, nâng cao năng lực pháp lý trong phòng vệ thương mại là ưu tiên sống còn.

Việc hướng dẫn DN làm việc với luật sư quốc tế, xây dựng hệ thống dữ liệu cảnh báo sớm sẽ giúp ứng phó tốt hơn với rủi ro về thuế, kiện tụng và các biện pháp phòng vệ từ các nước nhập khẩu. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, việc điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng linh hoạt, ổn định là điều kiện then chốt để DN duy trì sức cạnh tranh. Chính sách tài khóa – tiền tệ cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” điều tiết tổng thể để không tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN trong giai đoạn phục hồi.

Nhìn về phía trước, triển vọng nửa cuối năm 2025 vẫn rất khả quan nếu duy trì được các động lực đang có. FDI tiếp tục đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là công nghệ xanh, đầu tư công được đẩy mạnh, xuất khẩu giữ vững phong độ sẽ là 3 mũi nhọn chủ lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, yêu cầu đặt ra là cần hành động nhanh hơn, linh hoạt hơn và mang tính chiến lược hơn. Mỗi DN, mỗi ngành, và cả bộ máy quản lý đều cần chủ động “đi trước một bước” trong thích ứng và đổi mới.

Đề xuất miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Áp lực thuế quan đè nặng đơn hàng xuất khẩu
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động