Thứ năm 23/01/2025 20:32

Cuối năm, áp lực giao thông từ “xe dù, bến cóc”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao thương của người dân càng tăng cao, dẫn đến tái diễn tình trạng xe khách tùy tiện dừng đón, trả khách, lập bến trái quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Vẫn như “cái gai khó nhổ”

Mặc dù Nghị định số 10-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe hợp đồng trá hình lách luật, hoạt động như tuyến cố định. Tuy nhiên, vấn nạn “xe dù, bến cóc”, xe trá hình dường như vẫn như “cái gai khó nhổ”, cạnh tranh không lành mạnh với các xe khách chạy tuyến cố định.

Ghi nhận tại một số “điểm nóng” như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Đại Lộ Thăng Long... các hoạt động bến “cóc” xe “dù” diễn ra rất tấp lập. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vì nhu cầu của một bộ phận người dân nên các xe khách vẫn cố tình phạm luật, gây nhiều nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

 “Xe dù, bến cóc” khiến nội đô thêm ùn tắc
“Xe dù, bến cóc” khiến nội đô thêm ùn tắc.

Điển hình như tuyến đường Phạm Hùng, trong các ngày 15 và 16-1 là khoảng thời gian cuối tuần, nhiều xe khách đi với tốc độ “rùa bò” để đón - trả khách ở ngoài bến gây mất trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, vào những khung giờ cao điểm, nhiều xe khách còn dàn hàng 2 hoặc đột ngột giảm tốc độ để tạt vào lề đường đón trả khách.

“Từ mấy năm nay, các xe đi tuyến ngắn “đua” nhau bỏ bến hoạt động bên ngoài và dẫn lý do trong bến không có khách. Trước đây, mỗi ngày bến có hơn 900 lượt xe, nhưng nay chỉ còn hơn 800 lượt. Một số nhà xe khi báo cáo với đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã đưa ra những lý do giải thích về việc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký hoặc bỏ bến là do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách tại các tuyến đường”, lãnh đạo một bến xe tỏ ra ngán ngẩm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, thời gian tới Sở GTVT Hà Nội sẽ siết chặt lại vấn đề này, đơn vị sẽ cho lực lượng kiểm tra lại hoạt động của các nhà xe có số chuyến hoạt động thấp. Nếu thấy nhà xe nào bỏ bến ra ngoài hoạt động dù, Sở sẽ xử lý nghiêm.

Áp lực giao thông từ “xe dù, bến cóc”

Nhìn vào thực tế có thể thấy, tình trạng xe khách liên tỉnh cố tình “bẻ tuyến” chạy vòng các tuyến phố để đón trả khách, thậm chí là xe khách “bỏ bến, chạy dù” trong thời gian qua khiến áp lực giao thông trên tuyến phố Hà Nội ngày càng trở nên phức tạp và là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông.

Nói về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo khách vẫn diễn ra tại các khu vực bến xe; có đối tượng còn được thuê, cử theo dõi, cảnh báo đến các nhà xe khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Liên quan đến vấn đề xe khách vi phạm, lãnh đạo Đội CSGT số 14 - CA TP Hà Nội) cũng cho biết, trong năm 2020 riêng Đội CSGT số 14 đã xử lý gần 900 trường hợp xe khách vi phạm các lỗi dừng đón trả khách sai quy định, xe chạy dù…

Liên quan đến việc xử lý xe khách đón khách sai quy định hay xe dù gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Đội CSGT số 14 cho rằng, người dân vẫn có thói quen đứng ở vị trí nào thuận lợi, không vào bến mua vé, nên tạo điều kiện cho các nhà xe bắt khách dọc đường.

Cùng với đó là việc lái xe khách thuê xe ôm “hóng” vị trí chốt của CSGT để né. Thậm chí, nhà xe còn móc nối với hành khách, khai thông tin không đúng sự thật để trốn tránh việc bị kiểm tra, xử lý. Nhiều nhà xe còn dừng xe giữa đường bắt khách, song lại bật đèn cảnh báo, để khi lực lượng tuần tra xuất hiện thì vờ viện lý do xe đang gặp sự cố…

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang khẩn trương xây dựng phần mềm tiếp nhận thông báo hợp đồng vận chuyển khách, tự động theo dõi, tổng hợp, thống kê, phân tích các dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc.

Cùng với đó, Tổng cục sẽ xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; thực hiện và phối hợp thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu các phần mềm: Quản lý cấp biển hiệu, phù hiệu cho xe ôtô kinh doanh vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, giám sát hành trình, đăng kiểm, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép lái xe để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước…

Trong năm 2020, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản 2.663 xe khách tuyến cố định, phạt tiền hơn 3,8 tỷ đồng; 2.173 xe hợp đồng, phạt tiền hơn 4 tỷ đồng; tước phù hiệu xe vận tải hành khách 178 phương tiện.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động