Thứ sáu 24/01/2025 07:36

“Cứu” dân để tránh việc “di dân” là việc cần kíp và quan trọng nhất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sài Gòn giãn cách, con số dương tính với virus Corona của TP không ngủ luôn đứng đầu cả nước. Không còn chỉ là vài trăm, số bệnh nhân tính bằng vài nghìn ca đã quá quen thuộc khi nói về Sài Gòn bấy lâu nay. Và lịch sử ghi nhận, chưa có bao giờ cuộc “di dân” từ Sài Gòn về khắp các mọi miền lại đông và kiệt quệ đến thế…

Khó về được đến quê cha, đất tổ

Bao nhiêu ngày nay, hình ảnh từng dòng người với đủ các phương tiện tràn ra trên các cửa ngõ Sài Gòn không còn xa lạ. Người đi xe đạp, người dùng xe máy, thậm chí cả người đi bộ… Tất cả đều nhếch nhác, mệt mỏi, vội vàng… khác nhau về vùng miền, thế nhưng mục đích ra khỏi Sài Gòn lại chung. Đó là tìm về nơi chốn quê hương bản quán, mà cách đây mấy tháng, mấy năm họ đã từ đó ra đi để vào Sài Gòn nhằm tìm kiếm một công việc, một việc làm, cũng như một cuộc sống tốt hơn với ruộng rau, chái nước ở quê hương.

Rời Sài Gòn, chắc chắn trong tâm tưởng của những người dân đang lũ lượt vượt hàng trăm, có khi hàng nghìn cây số kia để về nhà, có lẽ không nỡ. Nhưng Sài Gòn hoa lệ đang bị thương, Sài Gòn hào sảng tạm thời dừng lại, không còn chỗ để họ làm việc, không còn chỗ để họ mưu sinh. Ở lại không chỉ đối diện với dịch bệnh, mà ở lại là vất vưởng, ở lại là đói, là khát. Và quan trọng nhất, ở lại là tứ cố vô thân.

Để bỏ Sài Gòn mà đi, những người dân ấy thực sự đã quá khó khan
Để bỏ Sài Gòn mà đi, những người dân ấy thực sự đã quá khó khan

Cảm thán về vấn đề này, chị Hoàng Điệp, một người Hà Nội sống ở Sài Gòn cho rằng, để bỏ Sài Gòn mà đi, những người dân ấy thực sự đã quá khó khăn. Nhìn các cuộc di tản của rất nhiều người lao động từ TP HCM để về các miền quê cả nước bằng đi bộ, bằng xe máy với quãng đường hàng ngàn km mới thấy, thực sự người lao động ở các tỉnh thành sinh sống làm việc ở Sài Gòn quá đông! Phải trở về bằng con đường nhiều rủi ro đó là lựa chọn cuối cùng của họ chứ nếu có lựa chọn khác người ta đã không chọn thế này!

Sài Gòn đất rộng, người đông nhưng dễ sống, chỉ cần có 2 bàn tay và chăm chỉ làm việc thì không bao giờ đói được ở Sài Gòn. Mà thực sự, việc bon chen ở đây là ít hơn những đô thị khác, đến người bán rong cũng dành một ngày nghỉ trong tuần chứ không bán mạng kiếm tiền như ở nơi đâu!

Sài Gòn dễ sống nên người lương thiện đến, kẻ lưu manh cũng đến, trộm cắp cũng có, tội phạm cũng đầy nên tạo ra một đô thị đông dân và phức tạp!

Và theo chị, người ta chỉ đến Sài Gòn chứ ít người bỏ Sài Gòn mà đi! Vì, dù đi đến đâu, cũng khó nơi nào dễ kiếm sống hơn Sài Gòn. Đợt rời bỏ Sài Gòn lần này cho thấy, thực sự họ đã quá khó khăn để lựa chọn rồi.

Rời Sài Gòn để mong có 1 bữa cơm không phải quay quắt hay chờ đợi những Mạnh Thường Quân, cho dù có rau, có cháo cũng còn có người thân, còn yên ổn nơi quê cha đất tổ. Rời Sài Gòn để nếu ra có trở thành F0 cũng có chính quyền, có các cơ sở y tế chăm lo… Họ bỏ Sài Gòn vì lẽ đó.

Và những người rời được Sài Gòn, ở một góc cạnh nào đó, vẫn là những con người may mắn. Mặc dù có những người mãi mãi không bao giờ trở về được nơi họ muốn về, bởi tai nạn, bởi đuối sức và vô vàn các lý do khiến họ bỏ cuộc giữa đường… May mắn, bởi còn có những người đang bị kẹt trong các khu phong tỏa, trong các khu vực cách ly, và những người không còn có cả sức để mà đi bộ về… Họ bị kẹt lại Sài Gòn!

Cuộc “di dân” này, những con người đã rồng rắn, lũ lượt khăn gói rời khỏi Sài Gòn, đáng thương. Thực sự rất đáng thương.

Trước khi cấm thì phải cứu

Biết rằng dòng người ồ ạt từ Sài Gòn về địa phương sẽ là gánh nặng cho địa phương. Khi mà nền y tế của các địa phương đa phần rất mỏng, thì hàng trăm, hàng nghìn người từ vùng dịch di chuyển về sẽ khiến hệ thống y tế của nhiều địa phương quá tải. Chính quyền địa phương bên cạnh chống dịch bên trong tỉnh, còn sốt hầm hập nguy cơ từ những người từ Sài Gòn về. Thế nhưng không đón đâu có được. Người ta về quê, muốn nương tựa ở quê hương lúc khốn khó là nhu cầu chính đáng.

Vậy nên tỉnh Thừa Thiên Huế mới làm việc với đường sắt, hỗ trợ một chuyến tàu đón bà con từ Sài Gòn về Huế, cách ly tập trung tại thị xã Hương Thủy. Toàn bộ chi phí vé tàu, ăn uống, sinh hoạt trong khu cách ly của người dân hoàn toàn miễn phí.

Tạo điều kiện cho người Đà Nẵng từ Sài Gòn về, UBND tỉnh Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP HCM cho phép Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP được tổ chức đón dân, đồng thời đề nghị các tỉnh từ Bình Dương ra đến Quảng Nam tạo điều kiện cho các xe do Đà Nẵng tổ chức đưa đón dân được lưu thông thuận lợi và đảm bảo an toàn. Người từ TP HCM về TP Đà Nẵng sẽ được cách ly y tế. Đối với người cách ly tại khu tập trung, có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng bất cứ chi phí nào trong suốt quá trình cách ly.

Và Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng có sẵn sàng đón người dân từ Sài Gòn về.

Tuy vậy, không ít người không ủng hộ việc người từ Sài Gòn ồ ạt về quê, nhiều chính quyền còn lập lờ, dặn dò, răn đe người dân không được đón người thân từ Sài Gòn ra. Không thể phủ định rằng, việc người dân di chuyển từ Sài Gòn ra sẽ gây ra những xáo động và khiến tình hình dịch bệnh của từng tỉnh trở nên phức tạp. Nhưng giải quyết câu chuyện đi - ở thế nào đây khi đi không được, về không xong.

Về việc này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Quảng Bình) cho rằng, để bà con yên tâm ở lại Sài Gòn, cần phải cứu họ trước đã. Theo đó, ngay lập tức cần có một danh sách bà con lao động miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… đang ở tại Sài Gòn và các vùng ven. Cần khảo sát thật nhanh hoàn cảnh của họ để báo cáo tỉnh, hội đồng hương. Cứu ngay những gia đình, cá nhân ngặt nghèo, cứu ngay bằng tiền, lương thực, thực phẩm. Cùng với đó, các tỉnh có nhiều bà con mình ở Sài Gòn và các tỉnh vùng ven đang diện phòng tỏa, cần tổ chức một tổ công tác đặc biệt vào Sài Gòn phối hợp với địa phương. Khó ở đâu gỡ ở đó, cứu ngay bà con ở lại cho đúng nghĩa ở lại: Có chỗ ở, có cái ăn.

Trước đó, nếu như trước đó Chính phủ còn mền mỏng khuyến cáo, địa phương nên đón bà con về tùy khả năng thì trong công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31 - 7 về phòng, chống dịch Covid, Thủ tướng đã yêu cầu: “Vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy”.”

“Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dụ trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn”- công điện nêu rõ.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động