Thứ hai 27/01/2025 23:47

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 31-12, 474 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 27.000 hội viên nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 205 Chi hội trực thuộc tham dự phiên chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Quang cảnh Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam
Quang cảnh Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Về dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng. Dự Đại hội có Bí thư T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa.

Đại hội nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; thảo luận, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội.

Đại hội còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới.

Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội

“Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam” – ông Lê Quốc Minh nói.

Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội

Trình bày tóm tắt báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Những năm qua, báo chí nước ta phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển nhiều loại hình báo chí, áp dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn: sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, của truyền thông xã hội, sự dịch chuyển mạnh của quảng cáo từ cơ quan báo chí đến các nền tảng xuyên biên giới, làm giảm nguồn thu của cơ quan báo chí; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc... Tình hình đó đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động báo chí, tổ chức và hoạt động của Hội nhà báo và công tác quản lý báo chí.

Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam
Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là trên Biển Đông, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đa số những người làm báo đã không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, làm nghề vì lợi ích của đất nước và Nhân dân…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Hồ Quang Lợi phát biểu Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X Hồ Quang Lợi phát biểu Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Ban Chấp hành khóa X

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội, các cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo từ tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị số 05 CTTW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đảng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Hội đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, khích lệ tinh thần cống hiến của người làm báo Cách mạng, góp phần khắc phục các vi phạm, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, tổ chức tốt Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành; Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; Cổng thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Năm 2016, Hội báo toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức thay cho Hội báo Xuân 5 năm một lần. Các năm 2017, 2018, 2019, Hội báo toàn quốc đều được tổ chức thành công (Hội báo toàn quốc năm 2020, 2021 không tổ chức do đại dịch toàn cầu Covid-19), bao gồm nhiều hoạt động nghiệp vụ báo chí, văn hoá, thông tin, xã hội phong phủ, là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng.

Đoàn đại biểu Hội Nhà báo TP Hà Nội dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo TP Hà Nội dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam

Cùng với các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực, góp phần triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách đổi ngoại của Đảng và Nhà nước; củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với giới báo chí và nhân dân các nước; nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trưởng quốc tế.

Nghiên cứu, xây dựng mô hình kinh tế báo chí phù hợp

Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, Hội sẽ tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội. Tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo hội viên hoạt động đúng pháp luật. Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tạo cảm hứng để các nhà báo sáng tạo ra sản phẩm tốt nhất

Trình bày tham luận tại Đại hội, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Liên Chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những Liên chi hội có đông hội viên nhất cả nước, với 940 hội viên sinh hoạt ở 24 chi hội với đủ 4 loại hình báo chí (7 kênh phát thanh, Đài truyền hình Kĩ thuật số VTC với hàng chục kênh; 2 tờ báo điện tử và 1 tờ báo in). Trong bối cảnh đó, Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam xác định, hoạt động của Liên chi hội phải hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên, và cao hơn là tạo ra cảm hứng để các nhà báo sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ công chúng.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam tham luận tại Đại hội

Từ nhu cầu của hội viên cần có nhiều các hoạt động nghiệp vụ để nâng cao nhận thức chính trị và kỹ năng nghề nghiệp, trong những năm qua Liên Chi hội đã tổ chức được 120 hoạt động nghiệp vụ lớn nhỏ, thu hút hơn 4.000 lượt hội viên tham gia trực tiếp và trực tuyến. Các hoạt động nghiệp vụ được Liên chi hội xác định là tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp (kể cả việc sử dụng mạng xã hội); kiến thức, kỹ năng báo chí cho cả 4 loại hình và kỹ năng tác nghiệp (Đặc biệt là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm như thiên tai, dịch bệnh...).

Trong thời đại 4.0, tổ chức tòa soạn cần thực hiện theo hình thức lấy độc giả làm trung tâm. Hội tụ là một guồng máy, tạo giá trị gia tăng cho tin tức, làm nổi bật tính đa phương tiện của báo điện tử; “Tăng cường “Nhận diện thương hiệu của VOVGT” tập trung thảo luận về việc đổi mới cách dẫn chương trình và tương tác của MC trực tiếp, tạo dấu ấn thương hiệu cho kênh.

Theo Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, ngay sau khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (tháng 10/2018); Ban Biên tập Báo Quân đội Nhân dân đã quyết định thành lập Tổ 35, bao gồm những cây bút chính luận trong tòa soạn, do Tổng biên tập làm tổ trưởng.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân phát biểu tham luận tại Đại hội

Tổ 35 của tòa soạn có các nhiệm vụ chủ yếu: Họp định kỳ hằng tháng và đột xuất khi có tình huống nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam; các hiện tượng vi phạm phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng có dấu hiệu “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa’ từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức tin, bài đấu tranh phản bác; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên hoặc nhóm trong khai thác thông tin, thực hiện viết bài phản bác. Mỗi thành viên trong tổ là một “cây cầu nối” của tòa soạn với đội ngũ cộng tác viên là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao; với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin, lý luận; với các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng; đồng thời là người tổ chức đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên ở cơ sở để hình thành nên các tuyến, “hòa âm phối khí”, “đồng thanh, cộng hưởng” với tòa soạn tạo ra “thế trận nhân dân” trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Ngoài ra, nhà báo Lê Ngọc Long cũng kiến nghị, Đảng, Nhà nước quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng bằng các chương trình, kế hoạch “đặt hàng” cụ thể với từng cơ quan báo chí để phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các cơ quan báo chí, có như vậy mới tạo được thế trận “đấu tranh nhân dân” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Tăng cường chỉ sự đạo sâu sát, cụ thể của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ này; đặc biệt là trong cung cấp thông tin, định hướng kịp thời. Tăng cường chỉ đạo khi xảy ra các sự vụ nhạy cảm, các “điểm nóng”. Có chính sách xây dựng các cây bút chủ lực ở từng cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, rèn luyện năng lực và đạo đức các cây bút chủ lực đi đôi với chăm lo đời sống của đội ngũ cây bút nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

Trong khi đó, nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh chia sẻ về phát triển Câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành. Tại TP Hồ Chí Minh, cách đây 20 năm, xuất phát từ hoạt động của các nhà báo, hội viên cùng được phân công viết về một lĩnh vực nên quen biết nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp. Từ đó hình thành các nhóm phóng viên chuyên ngành sau đó phát triển thành các câu lạc bộ trực thuộc Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh (Hiện nay có 6 câu lạc bộ đang hoạt động). Thành lập sớm nhất là câu lạc bộ phóng viên thể thao (hình thành từ những năm 1999-2000), sau đó là câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp (2007), câu lạc bộ phóng viên du lịch (2010), sau đó là các câu lạc bộ phóng viên nội chính, câu lạc bộ phóng viên ảnh, câu lạc bộ phóng viên khoa học - công nghệ. Các câu lạc bộ có cơ cấu một Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên do các thành viên bầu và được Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận. Phần nhiều các thành viên trong câu lạc bộ, nhất là người đứng đầu là những nhà báo từng trải, kinh nghiệm, có uy tín trong giới, nhiệt tình trong công việc của câu lạc bộ và có quan hệ tốt với các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực của câu lạc bộ.

“Tuy nhiên, mô hình câu lạc bộ trực thuộc các cấp Hội hiện đang có xu hướng phát triển ở các cấp Hội, Liên chi hội nhưng chưa thống nhất về tên gọi, về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia… Do đó, chúng tôi mong Hội Nhà báo Việt Nam trên cơ sở khảo sát, sơ kết hoạt động của mô hình này để ban hành quy định chung về hoạt động của các câu lạc bộ, tạo sự thống nhất trong triển khai” - nhà báo Trần Trọng Dũng đề xuất.

Mỗi nhà báo phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, mỗi người làm báo phải “nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng”. Mỗi cấp bộ hội, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng”. Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn
Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo. Do đó, phải kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ những người làm báo” - Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Theo Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng, để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí trong điều kiện mới, các cấp bộ hội phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên. Công việc này, nhất là bồi dưỡng chính trị, phẩm chất đạo đức, cần được quan tâm, tăng cường hơn nữa khi thông tin trong xã hội hiện nay vô cùng phong phú, đa dạng, sinh động, nhưng cũng có nhiều vấn đề mới, phức tạp. Hội cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo báo chí theo hướng hiện đại, gắn đào tạo với thực hành, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ mới, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ và luật pháp quốc tế đáp ứng yêu cầu tác nghiệp báo chí trong điều kiện mới. Đồng thời, mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu để theo kịp với sự phát triển của báo chí, trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng.

“Với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước” - Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng tin tưởng.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI: Xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI ra mắt Đại hội

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khoá X Mai Đức Lộc đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các chức danh lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI. Theo đó, từ 63 ứng viên, Đại hội đã bầu 52 nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI; 12 nhân sự tham gia Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI; 15 nhân sự tham gia Ủy ban Kiểm tra của Hội Nhà báo khoá XI.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Thủy Tiên - Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ

Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ - đó là nội dung chính của Tờ trình do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký gửi Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngày làm việc thứ hai và phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ hai và phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến và thông qua nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị; cho ý kiến về giới thiệu nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Trung ương thống nhất để đồng chí Trần Cẩm Tú tập trung thực hiện nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư; bầu đồng chí Nguyễn Duy Ngọc giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Thủ tướng chúc Tết và kiểm tra công tác ứng trực tại một số đơn vị Quân đội, Công an

Thủ tướng chúc Tết và kiểm tra công tác ứng trực tại một số đơn vị Quân đội, Công an

Sáng 27/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, kiểm tra công tác ứng trực và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Bộ Công an); Cục An ninh điều tra (Bộ Công an); Lữ đoàn K3, Tổng cục II (Bộ Quốc phòng)
Hà Nội: sẵn sàng cho màn pháo hoa rực rỡ chào năm mới Ất Tỵ 2025

Hà Nội: sẵn sàng cho màn pháo hoa rực rỡ chào năm mới Ất Tỵ 2025

Vào thời khắc Giao thừa đón chào năm mới Ất Tỵ 2025, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa phục vụ Nhân dân tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Chăm lo, hỗ trợ Tết cho người lao động làm việc trên công trường dịp Tết Ất Tỵ 2025

Chăm lo, hỗ trợ Tết cho người lao động làm việc trên công trường dịp Tết Ất Tỵ 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 25/1/2025 về việc chăm lo, hỗ trợ người lao động làm việc trên công trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Bài cuối: Chống lãng phí nên trở thành văn hóa ứng xử của mỗi công dân trong thời đại mới

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Một trong những yêu cầu quan trọng để biến cơ hội đó thành hiện thực là phải kiên quyết và triệt để phòng chống lãng phí.
Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng về chống lãng phí, tạo bầu không khí để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia vào mặt trận chống lãng phí thực sự có hiệu quả.
Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”

Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại sự kiện gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ nhân dịp cuối năm 2024 diễn ra ngày 30/12/2024.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động