Thứ sáu 09/05/2025 21:09

Đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BNNMT, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, củng cố hệ thống đê điều, thủy lợi; xây dựng phương án ứng phó, bảo vệ công trình trước mùa mưa lũ năm 2025. Các công trình xung yếu, từng xảy ra sự cố sẽ được đặc biệt ưu tiên xử lý và giám sát chặt chẽ.
Đối với hệ thống đê điều, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê. Ảnh: nongnghiepmoitruong.vn
Đối với hệ thống đê điều, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê. Ảnh: nongnghiepmoitruong.vn

Theo đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm sau đây:

Chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, đánh giá hiện trạng các công trình

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành”.

Các địa phương cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình (nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu, những sự cố công trình xảy ra trong bão, lũ năm 2024 nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục) theo phương châm "4 tại chỗ".

Cùng với đó, các Sở Nông nghiệp và Môi trường cần chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.

Các địa phương cần tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin liên lạc để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại.

Rà soát, đánh giá quy trình vận hành của các cống dưới đê, nhất là đối với cống dưới đê của các trạm bơm tiêu để điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ. Đối với những cống chưa có quy trình vận hành, Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt trước mùa mưa, lũ để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2025.

Rà soát, đánh giá nhiệm vụ, quy trình vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm vận hành bảo đảm an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du.

Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống dưới đê, cửa khẩu qua đê, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước, khắc phục kịp thời các tồn tại để đảm bảo vận hành an toàn (nhất là những tồn tại, bất cập đã bộc lộ trong đợt ứng phó với mưa lũ sau bão số 3 – bão Yagi năm 2024).

Tổ chức phát quang mái, chân đê, đập và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông…

Xử lý triệt để các tồn tại, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa công trình

Rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hạ lưu các tràn xả lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn.

Đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước (nhất là các sự cố xảy ra trong đợt bão số 3 - bão Yagi năm 2024 và mưa lũ sau bão gây ra) cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa, lũ năm 2025;

Rà soát, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa nước phải lập quy trình bảo trì; chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu;

Chỉ đạo Chủ đầu tư, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê điều, thủy lợi (nhất là công trình sửa chữa, khắc phục các sự cố, hư hỏng do mưa lũ gây ra; công trình có nhiệm vụ chặn dòng, thi công vượt lũ, phòng chống lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở năm 2025 và các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025).

Tăng cường công tác tuần tra, vận hành và bảo vệ công trình

Đối với hệ thống đê điều, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều xảy ra;

Riêng đối với các cống dưới đê, cần tập trung, quan tâm thực hiện những nội dung sau:

Đối với các cống dưới đê đã xảy ra sự cố những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu không đảm bảo an toàn; đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phân giao cụ thể nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện…

Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm quy trình vận hành và đảm bảo an toàn chống lũ.

Đối với cống do các Công ty, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi hoặc Chi cục Thủy lợi quản lý, đơn vị quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý sự cố.

Đối với các hệ thống công trình thủy lợi cần bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình theo quy định; việc vận hành các hồ chứa phải chấp hành nghiêm quy trình vận hành đã được phê duyệt…

Thực hiện nghiêm chế độ quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn.

Về công tác quản lý, cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi.

Chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều, công trình thủy lợi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Hà Nội: đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của Nhân dân sau mưa lũ
Cách vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp môi trường sau ngập lụt và một số lưu ý quan trọng
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động