Đẩy mạnh tuyền truyền và nâng cao hiệu quả của phong trào “Toàn dân tham gia Phòng cháy chữa cháy”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTuyên truyền PCCC cho hộ sản xuất kinh doanh tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội (Ảnh: phuctho.hanoi.gov.vn) |
Với công tác tuyên truyền, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã không ngừng đổi mới phương pháp, biện pháp công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị nghiệp vụ của ngành văn hoá thông tin tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC mang lại hiệu quả cao như: Xây dựng và đăng phát các tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các kênh truyền hình, báo điện tử, báo viết có đông đảo người xem; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, các đơn vị cơ sở, chợ, trung tâm thương mại... ;
Tuyên truyền lưu động; phát hành khuyến cáo, tờ rơi về PCCC; treo, gắn pa nô, khẩu hiệu về PCCC; tổ chức các cuộc thi tác phẩm báo chí, thi sáng tác tranh, ảnh về PCCC, tổ chức liên hoan phim truyền hình, sân khấu hóa các hoạt động PCCC, tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan…Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phản ánh và thông tin kịp thời các vụ cháy, nổ các hoạt động PCCC của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị;
Hiện nay, với sự phát triên vượt bậc của công nghệ thông tin, việc triển khai tuyên truyền PCCC, CNCH trên nền tảng số như Zalo, Facebook, App… đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ngày 18-1-2021, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Bộ Công an ban hành quyết định số 382/QĐ-BCA phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng vê PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”.
Về công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thì: Vận dụng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác PCCC là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC, trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính và mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ, trong những năm qua, phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng.
Nhiều ngành, nhiều địa phương đã có những hoạt động sáng tạo, thiết thực, đã tăng cường xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và tổ chức được nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý và người sử dụng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp về công tác PCCC.
Tại các địa phương đã xây dựng, phát triển, nhân rộng 60 phong trào, mô hình PCCC, như: Nhà tôi có bình chữa cháy; hộp thư PCCC; hiến đất mở rộng hẻm; tôn hóa, tường hóa; đăng ký không để xảy ra cháy; mô hình chợ kiểu mẫu về PCCC; cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn về PCCC; chung cư an toàn PCCC; cụm dân cư an toàn PCCC; cụm công nghiệp an toàn PCCC; tuyến đường bảo đảm an toàn PCCC; xây dựng phường (xã), khu phố (ấp) điểm an toàn về PCCC; một ngày làm lính chữa cháy; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác gỡ bỏ lòng sắt (chuồng cọp) tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy, CNCH...
Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc xây dựng và duy trì các phong trào tuy có khó khăn nhưng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC vẫn được duy trì và đẩy mạnh. Việc củng cố, kiện toàn, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, cơ sở, chuyên ngành) đã được các cấp, các ngành, từng cơ sở, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Hiện cả nước có 54.709 đội dân phòng, với 555.000 đội viên; 299.907 đội PCCC cơ sở, với 1.889.120 đội viên; có 207 đội PCCC chuyên ngành, với 4.909 đội viên.
Nhờ có phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH hoạt động hiệu quả nên nhiều sơ hở thiếu sót có nguy cơ gây cháy, nổ ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư đã được phát hiện và khắc phục kịp thời; lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với Nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hàng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội. Đã xây dựng thế trận PCCC, trong đó tổ chức bố trí lực lượng rộng khắp và theo từng đơn vị tuyến, địa bàn trọng điểm.
Riêng tại Hà Nội, thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC cho Nhân dân được đẩy mạnh. Như tại quận Hoàn Kiếm, UBND Phường Phúc Tân, CAP Phúc Tân đã phối hợp cùng CAQ Hoàn Kiếm tổ chức tặng nhiều bình chữa cháy cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.
Ngoài ra Công an quận Hoàn Kiếm đã tuyên truyền cho các hộ dân việc chấp hành quy định về PCCC&CNCH, vận động các gia đình mở lối thoát nạn thứ 2 đối với những hộ có lồng sắt, chuồng cọp và trang bị bình chữa cháy tại chỗ. Đồng thời đơn vị cũng hướng dẫn các hộ dân cách sử dụng bình chữa cháy, các phương pháp đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi xảy ra, góp phần cùng nhân dân nâng cao chất lượng công tác PCCC tại cơ sở.
Sự tham gia của Nhân dân vào công tác PCCC sẽ giúp cho hiệu quả của công tác này cao hơn. Góp phần phòng cháy tốt bao nhiêu sẽ giảm những công việc của chữa cháy bấy nhiêu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại