Thứ năm 23/01/2025 02:54

Hà Nội: đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn năm 2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2024, các lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CNCH), triển khai các giải pháp phòng ngừa cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn năm 2025
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sáng 15/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCCC&CNCH năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng năm 2025 và triển khai Quyết định số 4702/QĐ-UBND ngày 6/9/2024 của UBND TP ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn dự hội nghị.

Tại Hội nghị, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2024, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 1.238 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; 5 vụ cháy lớn; 195 vụ cháy trung bình và 1.028 vụ cháy nhỏ; 2 vụ nổ. Gây thiệt hại: 27 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 15 tỷ đồng và đang tiếp tục thống kê.

Về công tác CNCH, Công an TP tiếp nhận 675 tin báo cứu nạn, cứu hộ; lực lượng cảnh sát CNCH tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ 563 vụ, cứu được 202 người, tìm thấy 80 thi thể, đặc biệt trong quá trình CNCH lực lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng và phương tiện tham gia.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô 2024, TP đã ban hành quy định mới, đột phá có tính chất đặc thù riêng trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô như nâng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số trường hợp vi phạm về PCCC.

Ngoài ra, TP đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy sớm gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ số trong công tác PCCC và CNCH, đặc biệt sẽ triển khai phần mềm ứng dụng xây dựng phương án chữa cháy và thoát nạn để người dân tự xây dựng phương án cho gia đình mình với phương châm "nơi nào có dân, nơi đó có phương án chữa cháy, thoát nạn".

Năm 2024, các lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH; triển khai các giải pháp phòng ngừa cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, triển khai xây dựng quy hoạch hạ tầng về PCCC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị của địa phương; bố trí ngân sách phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bố trí kinh phí đầu tư trang bị cơ sở vật chất, phương tiện cho lực lượng và công tác PCCC&CNCH.

Năm 2025, TP đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH. Trong đó, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các quy định của Trung ương và TP trong công tác PCCC gồm: Tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH, tham mưu xây dựng củng cố đầu tư trang thiết bị, duy trì hoạt động, nâng cao hiệu quả của lực lượng tại chỗ (dân phòng, PCCC cơ sở và PCCC chuyên ngành). Cùng với đó, định kỳ kiểm tra rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC để chủ động trong công tác chữa cháy.

Đặc biệt, tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm một số chuyên đề về xử lý cơ sở, công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC đồng thời tạm đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2025, Hà Nội đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá và 05 nhóm giải pháp, nhiệm vụ thường xuyên để triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 4702). Theo đó, sẽ chia ra 2 giai đoạn chính để triển khai. Giai đoạn thứ nhất là đến năm 2025; Giai đoạn thứ hai từ 2026 đến 2030. Mục tiêu nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô theo giai đoạn.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia tham luận một số giải pháp về nâng cao năng lực PCCC và CNCH hiện nay và cho cả giai đoạn 2025-2030; giải pháp liên quan ngăn chặn nhóm nguy cơ cao về cháy nổ, xảy ra chết người và chết nhiều người; khắc phục, xử lý các công trình không đảm bảo an toàn PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật năm 2001 có hiệu lực; xử lý các sai phạm về công tác PCCC chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, liên quan đến công trình tạm, lấn chiếm trên đất công, đất nông nghiệp; việc triển khai hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết, Kế hoạch của UBND TP về công tác PCCC&CNCH.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo trình bày tại Hội nghị, các ý kiến tham luận chất lượng của các địa phương, đơn vị góp phần nâng cao chất lượng công tác PCCC&CNCH.

Đồng thời, đánh giá cao Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thành phố đã rất kỳ công xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án 4702 nhằm nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ những tồn tại, hạn chế được chỉ ra cụ thể trong báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên năm 2025, cần xây dựng cụ thể kế hoạch thực hiện. Trong đó: Rõ đơn vị, rõ thời gian hoàn thành nhiệm vụ và khắc phục những tồn tại đã nêu, yêu cầu xử lý dứt điểm đối với các công trình vi phạm về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực và các công trình vi phạm về PCCC đã đưa vào sử dụng, bao gồm cả các trụ sở cơ quan, công sở.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật, thể chế, Lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan cần cập nhật thêm danh mục các công trình, chỉ đạo mới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND Thành phố để văn bản ban hành mang tính bao quát và phù hợp với xã hội hiện nay.

"2 Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt, Luật Thủ đô (Điều 33) đều tạo điều kiện nâng cao năng lực PCCC. Luật Thủ đô quy định thẩm quyền cấp huyện, xã được ngừng cung cấp dịch vụ điện nước đối với 4 trường hợp vi phạm PCCC. Đặc biệt, Đề án 4072 đưa ra lộ trình 2 giai đoạn thực hiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường công tác PCCC", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành phố cũng lưu ý các cấp, ngành, địa phương về tầm quan trọng của phương châm 4 tại chỗ trong Đề án 4702. Đây là yếu tố quyết định thành công của công tác PCCC&CNCH. Cùng với đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chấp hành và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, đặc biệt, tăng cường tập huấn chuyên sâu, thường xuyên cho các lực lượng và Nhân dân về công tác PCCC&CNCH.

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có lộ trình giải pháp phòng cháy, chữa cháy
Cụ thể hoá trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy
N.N
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động