Đề xuất thanh toán giao dịch nhà đất qua ngân hàng: Vì sao nhiều năm chưa thể thực hiện?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng cục Thuế đang nghiên cứu bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 |
Vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm trước
Từ năm 2019, theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng cho biết, bám sát chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ về thanh toán theo Nghị quyết 01/NQ-CP (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019) và Nghị quyết 02/NQ-CP (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021), tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định pháp luật để khuyến khích không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản. Thậm chí, trong thời gian tới, các giao dịch có giá trị lớn như mua bán bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng.
Tuy nhiên, về hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, theo Vụ Thanh toán, cần thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, được thiết kế phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, cần tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán để tạo cơ sở triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán; cần có cơ chế khuyến khích thích hợp để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh đẩy mạnh hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Công tác an toàn, bảo mật cũng được các ngân hàng đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị bổ sung quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát giao dịch, quản lý thuế. Đây là một trong các giải pháp Bộ Tài chính đề xuất với các cấp có thẩm quyền để quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện giao dịch qua ngân hàng, giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận đinh, tình trạng trốn thuế, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế đang phổ biến, nhiều trường hợp kê khai thấp hơn tới hàng chục lần. Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá tính thuế chỉ 500 triệu đồng, nhưng họ bán bất động sản giá 10 tỷ đồng, tức kê khai thấp hơn 20 lần. Thậm chí có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng.
Người dân và cán bộ thuế lúng túng với việc “xác định giá đúng”
Ngoài bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ. Xuất phát từ nhiều giao dịch kê khai giá rất thấp với thực tế để né thuế, Bộ Tài chính đã siết chặt thu thuế. Nhưng quá trình này đang phát sinh nhiều bất cập khiến cả người dân và cán bộ thuế lúng túng với việc “xác định giá đúng”.
Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, cán bộ thuế mỗi nơi cũng đang làm một kiểu. Nhiều nơi yêu cầu tính giá thuế thêm cao hơn kê khai 1,2-1,5 lần, có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết còn không sẽ bị ngâm hồ sơ. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích nộp thuế, đồng thời ý thức được những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng. Tổng cục Thuế cũng sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế.
Đồng thời cơ quan thuế cũng có kế hoạch kiểm tra tính liêm chính của cán bộ thuế, đồng thời kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp và triển khai các giải pháp chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết, đã có công văn đề nghị Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (thực hiện công văn 3849/BTC-TCT ngày 28/4 của Bộ Tài chính).
Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng của ngành sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về tính liêm chính của cán bộ thuế đồng thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật).
Bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa cho biết, thực tế phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng bất động sản với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch. Cụ thể, một số hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai có giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư. Thậm chí, người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư khi đã được cấp sổ nhằm trốn tránh thuế.
Theo bà Lý Thị Hoài Hương – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc (Tổng cục Thuế), Tổng cục Thuế đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập DN. Đồng thời, bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế với hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại