Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch về phòng cháy và chữa cháy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHỏi: Tôi dự định xây dựng và kinh doanh một nhà nghỉ du lịch 6 tầng với hình thức hộ kinh doanh. Khi chuẩn bị đến khâu nhân sự làm việc tại nhà nghỉ, cậu em tôi nói cần phải có cả lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực.
Tuy nhiên tôi nghĩ việc kinh doanh nhà nghỉ nhỏ chỉ cần có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện kinh doanh là được. Xin hỏi nếu nhà nghỉ của tôi không có lực lượng phòng cháy như cậu em tôi nói thì có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?
(Đỗ Huy Hoàng, trú tại Ba Vì, Hà Nội)
![]() |
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại Điều 49 Luật du lịch quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:
“1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:
a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
2. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này”
Để xác định việc đáp ứng điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Luật du lịch, cần căn cứ vào các quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Theo Phụ lục II, quy định Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (Ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ)
“nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên” thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Như vậy, hộ gia đình của anh dự định kinh doanh nhà nghỉ du lịch 6 tầng, tức là thuộc cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
“a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
e) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
i) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.”
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, hộ kinh doanh của anh kinh doanh nhà nghỉ du lịch 6 tầng thì phải có: “lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ”. Nếu không đảm bảo được điều kiện này tức là không đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch. Hành vi vi phạm đó sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cụ thể:
“Điều 10. Vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
...
7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch.
8. Quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này.”
Như vậy, hành vi không đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 45/2019/NĐ-CP .
Áp dụng Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Điều 10 Nghị định 45/2019/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với hành vi không đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch là 25.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 9 Điều 10 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm trên còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng” và “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại