Thứ sáu 11/07/2025 23:16

Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nền tảng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ và dòng khách du lịch quốc tế trở lại sôi động, Hà Nội đang tận dụng thời cơ vàng để tăng tốc trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch ngay từ đầu năm 2025.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thương mại - dịch vụ tăng trưởng tích cực

Trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025, khu vực dịch vụ tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực chủ lực cho tăng trưởng chung của Hà Nội. Quý II/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng 228,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nếu so với quý I, chỉ số này vẫn tiếp tục tăng 0,7%, cho thấy sức mua và mức độ tiêu dùng nội địa tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động.

Riêng trong tháng 6/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 75,2 nghìn tỷ đồng. Mặc dù giảm nhẹ 1,4% so với tháng trước do ảnh hưởng từ các đợt rà soát vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả và một số quy định mới về thuế, nhưng mức tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024 cho thấy sức bật đáng kể của thị trường tiêu dùng Thủ đô.

Phân tích theo từng lĩnh vực cụ thể cho thấy, bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với doanh thu 289,6 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Những mặt hàng ghi nhận mức tăng ấn tượng có thể kể đến như: đá quý, kim loại quý (tăng 24,7%); vật liệu xây dựng (13,7%); ô tô con (12%); hàng may mặc (11,5%); xăng, dầu và các loại nhiên liệu khác (11,4%). Người tiêu dùng Thủ đô cũng gia tăng chi tiêu cho các mặt hàng phục vụ sinh hoạt và tiện nghi như: thực phẩm, thiết bị gia đình và phương tiện đi lại, những nhóm hàng phản ánh rõ xu hướng ổn định thu nhập và nhu cầu nâng cao chất lượng sống.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh dịch vụ Thủ đô. Trong quý II/2025, doanh thu mảng này tăng 13,9% so với cùng kỳ, đạt khoảng 60,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng mức doanh thu dịch vụ toàn TP.

Đặc biệt, dịch vụ lưu trú ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 20,5%, cho thấy du khách đã dần quay trở lại với Hà Nội, kéo theo sự phục hồi của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ lưu trú ngắn hạn. Dịch vụ ăn uống với văn hóa ẩm thực phong phú và đặc trưng của Hà Nội, tiếp tục duy trì sức hút với mức tăng trưởng 15,1%. Tính đến cuối tháng 6, Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú với gần 71.300 phòng, trong đó có 23 khách sạn và 7 khu căn hộ đạt chuẩn 5 sao. Dù công suất sử dụng phòng trung bình 6 tháng đầu năm đạt 63,2%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xu hướng tăng trưởng vẫn được duy trì ổn định.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn phường Nghĩa Đô, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thời điểm vàng để bứt tốc du lịch

Năm 2025 đang chứng kiến sự chuyển mình rõ nét của du lịch Hà Nội, khi ngành này xác định được “thời điểm vàng” để phục hồi và bứt phá mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm, Thủ đô đón gần 3,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,636 triệu lượt, tăng 23,6%. Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch. Các thị trường quốc tế trọng điểm như Pháp, Anh, Australia, Mỹ và Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 14% đến gần 40%.

Không chỉ phục hồi về lượng, du lịch Hà Nội còn được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và sản phẩm mới. Các tour trải nghiệm di sản, văn hóa, ẩm thực truyền thống kết hợp với công nghệ thực tế ảo, du lịch đêm, city tour bằng xe cổ... đã góp phần tạo nên sức hút mới mẻ, độc đáo cho điểm đến Thủ đô. Một trong những thay đổi chiến lược của ngành du lịch Hà Nội chính là đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá hình ảnh trên các nền tảng số, mạng xã hội và truyền thông quốc tế. Hình ảnh Hà Nội hiện đại nhưng vẫn giữ trọn bản sắc văn hóa nghìn năm đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cùng với đó, TP tập trung xây dựng và công nhận các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện Hà Nội có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở mua sắm, 7 cơ sở vui chơi giải trí và 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn, góp phần không nhỏ vào việc nâng tầm trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế.

Thị trường lữ hành tại Hà Nội đang dần lấy lại phong độ với sự phục hồi rõ nét. Tính đến tháng 6/2025, Hà Nội có 2.076 DN lữ hành quốc tế, 539 DN nội địa và hàng ngàn hướng dẫn viên chuyên nghiệp đang hoạt động. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống lữ hành, kết hợp với việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, phương tiện vận chuyển, và liên kết vùng, đang giúp Hà Nội gia tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị du lịch quốc gia và khu vực.

TP đang từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch hiện đại, văn minh và đồng bộ. Việc công nhận các cơ sở đạt chuẩn du lịch không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ, mà còn giúp du khách an tâm hơn khi lựa chọn Hà Nội là điểm đến cho kỳ nghỉ, hội nghị hay khám phá văn hóa. Với hơn 6.800 hướng dẫn viên quốc tế, 2.500 hướng dẫn viên nội địa và gần 160 hướng dẫn viên tại điểm, Hà Nội đang sở hữu đội ngũ nhân lực du lịch đông đảo, đủ năng lực phục vụ đa dạng phân khúc du khách trong thời kỳ mới.

Dịch vụ, thương mại và du lịch đang hợp lực trở thành “tam giác tăng trưởng” cho Hà Nội trong nửa đầu năm 2025. Bằng sự chủ động đổi mới, thích ứng và tận dụng tốt các cơ hội, Thủ đô không chỉ giữ được đà phục hồi sau đại dịch mà còn tạo ra sức bật mới, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II ước tính tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực dịch vụ tăng 8,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,75%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,81%.
Du lịch – điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2025
“Xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng: xu hướng tất yếu
Kích hoạt xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Đăng Quý
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động