Du lịch – điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2025
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Với đà tăng trưởng tích cực, ngành Du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đón từ 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Ảnh: autourasia.com |
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 và đặc biệt tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm đỉnh cao trước khi đại dịch bùng phát. Đây cũng là con số vượt tổng lượng khách của cả năm 2016, khi ngành du lịch lần đầu đạt mốc 10 triệu lượt khách quốc tế.
Chỉ riêng tháng 6/2025, Việt Nam đón gần 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy xu hướng tăng trưởng bền vững và khả năng phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói.
Đông Bắc Á dẫn đầu thị phần khách quốc tế
Trong cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, khu vực Đông Bắc Á tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,7 triệu lượt, tương đương 25,6% tổng lượng khách quốc tế. Hàn Quốc đứng thứ hai với 2,2 triệu lượt (20,7%). Hai thị trường này chiếm gần một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm.
Ngoài ra, nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Đài Loan (Trung Quốc) đạt 630.000 lượt, Hoa Kỳ 449.000 lượt, Nhật Bản 393.000 lượt, Campuchia 360.000 lượt. Các thị trường như Ấn Độ, Australia, Malaysia và Nga đều góp mặt trong nhóm có lượng khách tăng trưởng đáng kể.
Đặc biệt, các thị trường châu Á có mức tăng trưởng mạnh: Trung Quốc tăng 44,2%, Nhật Bản tăng 17,2%, Ấn Độ tăng tới 41%. Khu vực Đông Nam Á cũng phục hồi tốt, với Philippines tăng hơn 105%, Campuchia tăng 55,6%, Lào tăng 35,8%. Riêng thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ 3,2%.
Ở châu Âu, thị trường Nga ghi nhận mức tăng đột biến 139,3%. Các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đều có mức tăng trưởng hai con số. Thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng tăng trưởng mạnh nhờ chính sách miễn thị thực ngắn hạn theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Chính sách thị thực và xúc tiến du lịch đóng vai trò quan trọng
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả tích cực trong nửa đầu năm là thành quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng chính sách thị thực thông thoáng. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp như mở rộng danh sách các nước được miễn visa, cải tiến quy trình cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến du lịch quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình quảng bá văn hóa – du lịch tại châu Âu, châu Á và trên các nền tảng số, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của du lịch Việt trên bản đồ thế giới.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo quốc tế và kết nối với đối tác nước ngoài nhằm đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường mục tiêu. Sự kết hợp giữa chiến lược xúc tiến đa kênh, cải thiện chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo nên diện mạo mới cho ngành du lịch.
Du lịch không chỉ phục hồi mạnh mà còn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% – mức cao nhất trong giai đoạn 2011–2025. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp hơn 52% vào tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Hoạt động du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu là những động lực quan trọng trong mức tăng trưởng này.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá ngành Du lịch là một trong 10 điểm sáng nổi bật của đất nước trong 6 tháng đầu năm. Đây là cơ sở để ngành kỳ vọng bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.
Với đà tăng trưởng tích cực, ngành Du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đón từ 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 10 đến cuối năm sẽ là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh thu hút khách từ châu Âu, châu Mỹ và các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thành công, ngành Du lịch Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa trải nghiệm, cải thiện hạ tầng du lịch và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại