Giải pháp thu hồi tài sản công sử dụng không đúng quy định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội thực địa Nhà chuyên dùng tại số 36 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) |
Tập trung giải quyết những tồn tại
Theo đó, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật tại cơ sở dữ liệu là 6.214.097,89 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại của tài sản công đã cập nhật tại cơ sở dữ liệu là 4.851.940,48 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua UBND TP đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN trực thuộc.
Việc sắp xếp nhà, đất đã thống kê được các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. TP đã xử lý 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà. Trong đó, giai đoạn từ khi Nghị định số 167/2017/ NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, TP đã phê duyệt 427 cơ sở nhà, đất.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và sắp xếp lại, xử lý tài sản công (chủ yếu là nhà, đất) đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song Bộ Tài chính cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cũng ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp các cơ sở nhà, đất đối với các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước. Việc quản lý, sử dụng tài sản công có đơn vị chưa chặt chẽ, cho mượn, cho thuê không đúng quy định. Các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công…
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Đoàn giám sát của HĐND TP cho thấy: Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP vẫn còn một số hạn chế hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm. TP chưa có cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả một số tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan nhà nước khi chưa sử dụng hết công suất...
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ trụ sở là tài sản công tại các địa phương, DN.
Thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời
Trong kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (diễn ra trong tháng 7/2022) HĐND TP đã yêu cầu UBND TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Kiên quyết thu hồi tài sản công không sử dụng, sử dụng không đúng quy định. Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài. Đối với các điểm nhà đất chưa sử dụng cần có phương án xử lý kịp thời, tránh lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.
Cũng tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, 100% đại biểu có mặt tán thành đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1).
Theo Nghị quyết, UBND TP chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm đúng quy định trước khi ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch được quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; các quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu. Tiếp tục chỉ đạo Sở, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch và tổ chức triển khai theo quy định.
Ngoài ra, HĐND TP cũng đề nghị UBND TP tăng cường sự phối hợp hiệu quả trong quản lý tài sản công giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động và xem xét phương thức giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đối với Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Phát triển nhà đảm bảo nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và cơ chế thị trường; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo báo cáo tại tờ trình của UBND TP, việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị DN có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại