Thứ năm 23/01/2025 11:12

Hà Nội: Đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 14/6, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khoá XVII, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đã đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố Hà Nội.
Hà Nội: Đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội sáng 14/6.

Đề xuất giảm nguồn vốn ODA vay lại

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến nay tổng nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố là 364.678 tỷ đồng, trong đó, cấp Thành phố là 278.841 tỷ đồng, cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Kết quả giải ngân năm 2021, 2022 là 81.950/97.724 tỷ đồng tổng kế hoạch đã bố trí.

Trong 2 năm qua, kế hoạch đầu tư công đã được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai góp phần chủ động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên bên cạnh đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình triển khai, khả năng hấp thụ vốn của các dự án chậm nên tỷ lệ giải ngân không cao; Áp lực bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2023 - 2025 của cấp thành phố còn lớn; Nhiều dự án chuyển tiếp chưa được cân đối đủ vốn trung hạn, chưa có danh mục; Tiến độ triển khai của các dự án trọng điểm, dự án ODA chưa đáp ứng kế hoạch…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện, góp phần khắc phục một số tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố, đề xuất điều chỉnh giảm 25.352 tỷ đồng nguồn vốn ODA vay lại; Giữ nguyên nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương trong nước.

Về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố (nguồn ngân sách địa phương) theo nguyên tắc không làm thay đổi tổng nguồn vốn kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 ngân sách Thành phố (không gồm vốn ODA vay lại); Điều chỉnh kế hoạch phải phù hợp với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại hội nghị

Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình trọng điểm

Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023, thành phố giao Kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 46.946 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2023, toàn thành phố giải ngân được 11.643 tỷ đồng, đạt 24,8%. Tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước và cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn chưa đạt được yêu cầu của thành phố. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023.

Về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả Quỹ đầu tư phát triển thành phố, vốn thực hiện giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt GPMB, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị dự án PPP, thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch...

Nguyên tắc tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công trình trọng điểm của Thành phố và các dự án thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, các dự án dân sinh bức xúc.

Có chính sách bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung

Để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2023, 2024, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Huy động tối đa các nguồn lực, trọng tâm là đảm bảo nguồn lực ngân sách cho tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, đáp ứng nhu cầu bố trí kế hoạch vốn còn lại từ nay đến hết năm 2025.

Xác định công tác chuẩn bị đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Cùng đó, tập trung triển khai hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm; đồng thời với việc nghiên cứu, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng Kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn 2026 - 2030.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, năng lực của các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.

Có chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.

Sáng nay, khai mạc Hội nghị lần thứ 13 BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội bàn giải pháp đột phá phát triển kinh tế-xã hội
Hà Nội vượt qua khó khăn, các cân đối lớn phát triển kinh tế-xã hội được đảm bảo
Thịnh An - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động