Hà Nội giảm 154 đơn vị sự nghiệp công lập sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 39
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thông báo của Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội ngày 12-5 về một số hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP trong tuần từ 4-5 đến 11-5: Ngày 8-5, UBND TP có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy; quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và hợp đồng lao động giai đoạn 2015-2020 (từ ngày 30-4-2015 bắt đầu triển khai Nghị quyết số 39- NQ/TW; ngày 31-10-2017 bắt đầu triển khai Nghị quyết số 18, 19- NQ/TW và ngày 29-2-2020) cho thấy, đã giảm 1 cơ quan hành chính tương đương Sở; giảm 65 phòng thuộc sở; giảm 154 đơn vị, gồm giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy 256 đơn vị và tăng 102 trường phổ thông các cấp và mầm non. Lý do tăng, giảm do sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo quy định của Trung ương và theo yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động.
Số công chức có mặt tại thời điểm 29-2-2020 là 7.635 người; chưa sử dụng là 407 biên chế, trong khi số biên chế công chức được HĐND Thành phố phê duyệt và UBND TP giao năm 2015 là 9.408 biên chế công chức, năm 2017 là 9.116 và năm 2020 là 8.042.
Số viên chức có mặt tại thời điểm 29-2-2020 là 108.902 người, chưa sử dụng 13.434 biên chế, trong khi số biên chế viên chức được HĐND TP phê duyệt và UBND TP giao năm 2015 là 129.272 biên chế viên chức, năm 2017 là 126.362 và năm 2020 là 122.765.
Số hợp đồng lao động có mặt tại thời điểm 29-2-2020 là 10.812 người, chưa sử dụng là 1.493 người, trong số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ) được HĐND TP phê duyệt và UBND TP giao năm 2015 là 12.906 hợp đồng lao động, năm 2017 là 13.170 và năm 2020 là 12.305.
Trong tuần qua, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 tại công trình số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tại Thông báo số 396/TB-UBND ngày 4-5-2020 về kết luận của Tập thể Lãnh đạo UBND TP về việc UBND quận Ba Đình tổ chức thực hiện xử lý vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2 tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình có nêu: Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình thuộc thẩm quyền của UBND quận Ba Đình; các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ba Đình, thủ trưởng các sở, ngành quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy và UBND TP về việc tiếp tục tổ chức thực hiện, xử lý kiên quyết vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, đảm bảo nguyên tắc: An toàn tuyệt đối về người trong quá trình xử lý công trình vi phạm (người lao động thi công, vận chuyển; người dân xung quanh, người đi đường...); an toàn cho công trình xây dựng còn lại sau phá dỡ, tháo dỡ và công trình xung quanh.
Đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, trình tự thủ tục trong việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 tại công trình số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên và đảm bảo lợi ích hợp pháp chủ đầu tư (Công ty cổ phần May Lê Trực).
UBND TP yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện theo đúng thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm công trình tại so 8B phố Lê Trực và phối hợp với các sở, ngành thực hiện phê duyệt Kế hoạch, phương án phá dỡ, tháo dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn lao động và công trình xây dựng còn lại sau phá dỡ, tháo dỡ.
|
Tổ chức thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 tại công trình số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên theo 2 bước: bước 1 (xử lý tầng 18) trước, sau đó báo cáo, đánh giá; trên cơ sở đó xem xét thực hiện tiếp bước 2 (xử lý tầng 17) theo đúng quy định của pháp luật.
Giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định toàn bộ phương án phá dỡ của UBND quận Ba Đình; phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH có ý kiến thống nhất bằng văn bản với UBND quận Ba Đình về Kế hoạch, phương án phá dỡ, tháo dỡ công trình vi phạm.
Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Công ty cổ phần May Lê Trực, tham mưu báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
Yêu cầu Sở KH-ĐT và Sở Xây dựng khẩn trương xem xét đề xuất của UBND quận Ba Đình về việc chỉ định thầu đơn vị thi công phá dỡ, tháo dỡ công trình.
Trong tuần, UBND TP cũng ban hành Kế hoạch về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2020), bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, an toàn, có tính giáo dục cao phù hợp theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22-7-2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
UBND TP giao Sở VH-TT là cơ quan thường trực, xây dựng kịch bản và nội dung chương trình nghệ thuật đặc biệt biểu diễn tại Lễ kỷ niệm. Các sở, ngành liên quan xây dựng phương án xử lý tình huống và bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tại khu vực tổ chức Lễ kỷ niệm và trên địa bàn toàn TP...
UBND TP cũng chỉ đạo thực hiện nới lỏng các hạn chế phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, UBND TP ban hành Kế hoạch về Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 (từ ngày 1-6 đến ngày 30-6) với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Các hoạt động chính trong Tháng hành động bao gồm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời. Tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn, xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp trẻ em... trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại