Hà Nội: Thống nhất kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, căn cứ Quy chế làm việc của UBND TP, UBND TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu các nội dung kiến nghị của Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng thống nhất tham mưu UBND TP văn bản chỉ đạo, báo cáo UBND TP trước ngày 20/10/2017.
Trước đó, UBND TP nhận được Báo cáo số 302/BC-BCĐ ngày 19/9/2017 của Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng về kết quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 9 tháng đầu năm 2017, triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2017 - 2018 trên địa bàn thành phố. Trong đó đề xuất, chỉ đạo UBND huyện tăng cường thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Chỉ đạo UBND các huyện thị xã có rừng bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng hằng năm. Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền cho cán bộ công chức về nghĩa vụ trách nhiệm cá nhân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tạo điều kiện, khuyến khích nghiên cứu giải pháp quản lý rừng gắn với du lịch sinh thái phù hợp trên địa bàn thành phố. Bố trí kinh phí để tu sửa bảo dưỡng hệ thống công trình phòng cháy chữa cháy rừng. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rừng sinh thái, rừng chất lượng cao đối với cả 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Khuyến khích bảo vệ phát triển rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái để bảo vệ rừng bền vững. Tăng đầu tư kinh phí để thường xuyên mở lớp tập huấn, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng đến chủ rừng, hộ gia đình sống trong và gần rừng để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.
UBND các huyện, thị xã có rừng ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, chủ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng phương án bảo vệ rừng, phương án huy động lực lượng chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện địa phương.
Bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo công tác bảo vệ rừng rừng và hỗ trợ người tham gia chữa cháy rừng tại địa phương theo quy định. Chỉ đạo ban ngành liên quan phối hợp với Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đối với các xã có rừng và các chủ rừng trên địa bàn. Kịp thời điều chỉnh giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy phù hợp thực tế.
UBND xã có rừng và chủ rừng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo đúng quy định. Xây dựng phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đối với diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ. Tổ chức lực lượng xung kích thường xuyên tuần tra, kịp thời xử lý ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân địa phương nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại