Thứ năm 23/01/2025 06:28

Hà Nội: thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội xác định việc phát triển công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Do đó, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực này nhằm cụ thể hóa các chương trình, đề án phát triển công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng trên địa bàn.
Hà Nội: thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực
Sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Theo Sở Công thương Hà Nội, thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021-2024, TP thu hút được hàng trăm doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia chương trình, đã có 229 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, đạt hơn 100% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2024 dự kiến công nhận 60 sản phẩm của 35 DN, đưa tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực TP giai đoạn 2018 - 2024 lên 289 sản phẩm của 191 DN.

Các sản phẩm này thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; Điện, điện tử; Công nghệ thông tin; Dệt may, da giầy; Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; Công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; Công nghiệp vật liệu xây dựng; Thủ công mỹ nghệ.

Mỗi năm, các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp TP; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.

Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam Lê Văn Quảng, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các DN sản xuất công nghiệp chủ lực Hà Nội sẽ phát huy được vai trò "đầu đàn"; luôn chủ động, sáng tạo, tận dụng các cơ hội để tìm kiếm và mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị… góp phần tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu".

Sản phẩm có chất lượng cao như lò đốt rác thải sinh hoạt của T-TECH có công suất từ 330kg - 200 tấn/ngày đêm; lò đốt rác thải công nghiệp; lò đốt rác thải y tế từ 10kg/giờ - 200 kg/giờ, và các dây chuyền thiết bị xử lý môi trường…. Các lò đốt rác do T-Tech sản xuất có ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với các lò đốt rác nhập khẩu từ nước ngoài như xử lý được rác có độ ẩm cao tới 70%; lò tự đốt rác ko cần dùng nguyên liệu giúp giảm nhiều chi phí cho chủ đầu tư; sản phẩm được bảo hành, bảo dưỡng miễn phí trong 5 năm liền…

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/1/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; Quyết định số 4303/QĐ-UBND ngày 24/9/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Hà Nội.

Cho đến nay, Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 28 cụm trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các DN vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối DN với các tỉnh, TP của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới…

Nhằm tăng cường hợp tác, liên kết xúc tiến thương mại, từ ngày 16 đến 18/10/2024, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, thu hút 250 gian hàng của các DN công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, các doanh nghiệp lớn, tiềm năng, FDI trên địa bàn TP Hà Nội, các tỉnh, TP trên cả nước và các DN nước ngoài...

Thông qua hội chợ, các DN có cơ hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn, chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, kết nối với các DN trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng là những nhà sản xuất lớn, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của các DN.

Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường kết nối các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các viện nghiên cứu, trường đại học để hai bên cùng nhau trao đổi công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Sở Công thương Hà Nội đã nhận được gần 100 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Qua đó, thông tin đến các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để đặt hàng, đưa nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thực tế.

Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Tiếp tục hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
Hà Nội: triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động