Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại hội nghị dự thảo kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 23-6, bác sĩ Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lần này rất lớn với mục tiêu tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, cao điểm đạt 200.000 mũi tiêm/ngày trên địa bàn toàn thành phố.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo giãn cách, không để tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh khi tổ chức tiêm chủng. Đảm bảo tiêm chủng an toàn, chất lượng, đúng tiến độ cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định và tiếp cận công bằng, minh bạch, công khai cho người dân.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Đỗ Thoa |
Theo bác sĩ Ngô Khánh Hoàng, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lần này đối tượng ưu tiên căn cứ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19; các nhóm đối tượng ưu tiên các đợt tiêm chiến dịch căn cứ theo các văn bản chỉ đạo và quy định của Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội; người dân cư trú trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện tiêm vắc xin theo quy định của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Để thực hiện được mục tiêu trên, CDC Hà Nội xây dựng dự kiến 3 phương án tổ chức triển khai như sau:
Phương án 1: Thiết lập 1.000 - 1.200 điểm tiêm trên toàn thành phố, gồm cả lưu động và cố định.
Phương án 2: Thiết lập 2 điểm tiêm/1 xã, phường.
Phương án 3: Thiết lập điểm tiêm theo quy mô dân số.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, kể từ ngày 14-6 đến nay thành phố đã bước sang ngày thứ 9 không có ca bệnh trong cộng đồng. Tới đây, Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tổ chức tiêm nhanh, đạt tỷ lệ cao nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách. Lập danh sách và quản lý đối tượng tiêm cụ thể, tại các địa phương chính quyền cơ sở phải lập danh sách và vận động người đi tiêm (đối tượng tại cộng đồng do Ban chỉ đạo xã phường chịu trách nhiệm lập danh sách; đối tượng tại khu công nghiệp do Ban chỉ đạo khu công nghiệp chịu trách nhiệm lập danh sách; cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước do Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm lập danh sách).
Các đơn vị chuẩn bị bổ sung bơm kim tiêm, hộp an toàn, vật tư tiêu hao, cơ số thuốc phòng chống sốc. Lập danh sách cán bộ cần tập huấn cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng bổ sung để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Sở Y tế chuẩn bị một số đội cơ động hỗ trợ các quận huyện khi có yêu cầu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại