Thứ ba 15/04/2025 16:31
Luật Thủ đô 2024

Dấu mốc quan trọng phát triển y học gia đình và cấp cứu ngoại viện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024 là dấu mốc quan trọng, động lực thúc đẩy sự phát triển của y học gia đình và cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.
Lực lượng cấp cứu của Trung tâm 115 luôn nỗ lực phục vụ người bệnh. Ảnh: Công Phương
Lực lượng cấp cứu của Trung tâm 115 luôn nỗ lực phục vụ người bệnh. Ảnh: Công Phương

Tổ chức thực hiện chính sách phát triển y học gia đình

Trong Luật Thủ đô 2024, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quy định tại Điều 26; điểm c khoản 1 Điều 43. Luật Thủ đô năm 2012 không có quy định về y tế. Thể chế hoá định hướng về phát triển y tế Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô năm 2024 xác định mục tiêu phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn thực hiện, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, là trung tâm lớn về y tế của cả nước và khu vực.

Việc tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập” (khoản 1 Điều 26).

Luật giao UBND TP xác định lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP gồm Bệnh viện 115, Trung tâm Điều phối cấp cứu, Trung tâm Đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu, trạm cấp cứu 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP (điểm b khoản 3 Điều 26).

Đây là một giải pháp đặc thù, có tính đột phá không chỉ nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT do pháp luật hiện hành chưa có quy định về mạng lưới, hoạt động điều phối cấp cứu ngoại viện và giá dịch vụ này. Công tác cấp cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển cấp cứu người bệnh đến các cơ sở điều trị là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Chia sẻ về việc tổ chức thực hiện chính sách phát triển y học gia đình và cấp cứu ngoại viện trong Luật Thủ đô 2024, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) Nhân dân là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Thực hiện Luật Thủ đô, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP xây dựng Nghị quyết "Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội”. Nghị quyết đã được UBND TP trình HĐND TP vào Kỳ họp thứ 18 (ngày 4/10/2024) của HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nghị quyết được ban hành sẽ là cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội, là căn cứ để các cơ quan quản lý lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và triển khai thực hiện việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bản TP theo quy định của Luật Thủ đô.

Mạng lưới cấp cứu gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Thành phố

Về cấp cứu ngoại viện, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, tính đến nay, Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp quận huyện, trên một diện tích 3.358,9km2, với dân số xấp xỉ 8,6 triệu người thì mật độ dân số của Hà Nội thuộc mức rất cao so với địa phương khác và các nước trong khu vực.

Số liệu này chưa tính đến hàng triệu người trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc, học tập và du lịch. Tại điểm b Khoản 3 Điều 26 Luật Thủ đô nêu rõ: "Hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP gồm Bệnh viện 115, Trung tâm điều phối cấp cứu, Trung tâm đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu, trạm cấp cứu 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP”.

Đây là một mô hình hệ thống cấp cứu ngoại viện có nhiều ưu điểm có tính theo chốt tháo gỡ các nút thắt khó khăn vốn đang cản trở sự phát triển: trung tâm điều phối cấp cứu khi đi vào hoạt động sẽ được đầu tư hiện đại, sẽ là điểm kết nối giữa hệ thống cấp cứu ngoại viện với người dân và toàn bộ hệ thống y tế Hà Nội, tạo ra sự liên thông liên tục trong quá trình cấp cứu chăm sóc người bệnh.

Trung tâm sẽ là nơi ứng dụng công nghệ thông tin mức độ cao tạo tiền để triển khai y tế thông minh, y tế từ xa trong cấp cứu. Mạng lưới gồm 12 - 14 trạm cấp cứu 115 và 30 tổ cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện trên địa bàn sẽ tạo ra mạng lưới cấp cứu rộng khắp bao phủ toàn bộ địa bàn TP, cung cấp dịch vụ cấp cứu ngoại viện cho người dân bất kể khu vực địa lý.

Số lượng điểm cấp cứu trong mạng lưới tăng lên đồng nghĩa với việc khả năng tiếp cận dịch vụ cấp cứu ngoại viện cao hơn, công bằng hơn trong thời gian ngắn hơn, bảo đảm "giờ vàng” trong cấp cứu đồng thời xóa các điểm trắng về dịch vụ cấp cứu ngoại viện hiện nay.

Một trong những điểm đột phá tháo gỡ vướng mắc cơ chế tài chính của cấp cứu ngoại viện chính là quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26: "HĐND TP quy định việc sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện”. Đây chính là biểu hiện cụ thể của sự quan tâm chăm lo của hệ thống chính trị đối với một nhu cầu cấp thiết của người dân và đồng thời giúp tháo gỡ những rào cản đối với sự phát triển của hệ thống cấp cứu ngoại viện Thủ đô.

"Luật Thủ đô 2024 là một dấu mốc quan trọng, động lực thúc đẩy sự phát triển của y học gia đình và cấp cứu ngoại viện trên địa bản Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Việc triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện của Thủ đô Hà Nội như Luật quy định sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành y tế Thủ đô không chỉ đối với cả nước mà còn ngang tầm các nước trong khu vực"- đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

UBND TP quy định việc đăng ký cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình trên địa bàn. Các quy định trên góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính và nhân lực cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập tham gia thực hiện việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình rất cần thiết. Các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Luật Thủ đô 2024 quy định về việc sử dụng quỹ BHYT để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính sách phát triển y tế thủ đô theo nguyên lý Y học gia đình
Sửa đổi Luật Thủ đô: Những quy định có tính đột phá về bảo hiểm y tế
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại tuyến cơ sở
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động