Thứ ba 29/04/2025 18:52

Hành trình cảm tử và bản hùng ca bất tử của người lính tiến vào Dinh Độc Lập

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tuổi 18, trong tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, Nguyễn Đức Trọng xếp bút nghiên, khoác ba lô ra trận. Trải qua nhiều lần cận kề cái chết, vượt núi rừng, băng bom đạn, ông cùng đồng đội góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975. Những ngày tháng máu lửa vẫn hiện lên vẹn nguyên, như vừa mới hôm qua...!
Nguyễn Đức Trọng lúc còn học sinh Năm 18 tuổi, khi nghe tin Tổng động viên, Trọng xếp lại sách vở, từ giã mái nhà tranh đơn sơ, tình nguyện khoác ba lô nhập ngũ
Nguyễn Đức Trọng lúc còn học sinh, khi nghe tin tổng động viên, xếp lại sách vở, từ giã mái nhà tranh đơn sơ, tình nguyện khoác ba lô nhập ngũ. Ảnh: VD

Tiếng gọi từ những cánh đồng quê nhà

Sinh ra giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay của xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, Nguyễn Đức Trọng lớn lên trong tiếng ru của mẹ, những bài ca ngợi về Bộ đội Cụ Hồ và câu chuyện hào hùng về những đoàn quân chống Pháp, đánh Mỹ. Gia đình có tám anh chị em, nhưng khi đất nước cần, cả nhà ông đều không nề hà gánh vác phần mình trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Năm 18 tuổi, khi nghe tin tổng động viên, Nguyễn Đức Trọng xếp lại sách vở, từ giã mái nhà tranh đơn sơ, tình nguyện khoác ba lô nhập ngũ. Đêm trước ngày lên đường, mẹ ông tiễn con bằng những giọt nước mắt lặng lẽ và lời dặn run run: "Ra trận, con hãy vững tâm. Sống chiến đấu cho quê hương, chết cũng không uổng một đời trai."

Những lần đối mặt với tử thần

Sau ba tháng huấn luyện, chàng tân binh Nguyễn Đức Trọng tham gia tại đại đội 2, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 219 Công binh, hành quân vào chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, tham gia Chiến dịch Thượng Đức mùa Hè đỏ lửa năm 1974. Thượng Đức – cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng, giờ đây thành chiến địa ngập tràn khói lửa.

Ngày khoác áo người lính vào chiến trường Ảnh: VD
Ngày khoác áo người lính vào chiến trường. Ảnh: VD

Đại úy Nguyễn Đức Trọng kể, giọng khàn đi vì xúc động: "Có những lúc, cái chết chỉ cách mình một sải tay. Một lần, đang cùng đồng đội dựng hầm chữ A trên chốt, địch bất ngờ dội pháo. Tôi bất tỉnh. Tỉnh lại, thấy áo dính máu, bên cạnh là tiếng đồng đội rên xiết...".

Không chỉ một lần, giữa núi rừng bom đạn, anh lính trẻ ấy nhiều phen cận kề ranh giới sống – chết, trực gác suốt đêm để rồi vừa rời ca thì pháo địch dội tới; kéo pháo lúc tinh mơ thì mìn nổ khiến người bạn đồng hành ngã xuống ngay trước mắt. Mỗi lần may mắn thoát chết, ông lại nén nỗi đau, xiết chặt súng trong tay, tiếp tục tiến lên.

Sống trong hầm tối, ăn lương khô với rau rừng, từng trận sốt rét quật ngã nhiều người, nhưng ánh mắt của những người lính chưa bao giờ tắt đi niềm tin chiến thắng. Chính tinh thần thép ấy đã giúp họ làm nên kỳ tích, giải phóng hoàn toàn Thượng Đức, mở ra thế trận thuận lợi cho đại thắng mùa Xuân sau này.

Chiếc xe tăng Đại úy Nguyễn Đức Trọng tiến vào Dinh độc lập ( Ngồi bên phải xe tăng hướng vào ảnh) Ảnh: VD
Chiếc xe tăng mà đại úy Nguyễn Đức Trọng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: VD

Hành quân thần tốc, viết tiếp những bản anh hùng ca

Cuối năm 1974, ông cùng đồng đội tiếp tục tham gia đánh Khe Tre – vùng rừng núi hiểm trở ở Thừa Thiên – Huế. Trong chiến dịch ấy, ông cùng đồng đội vượt đèo Truồi, kéo pháo, dò mìn dưới làn đạn ác liệt, mở đường cho bộ binh và xe tăng tiến thẳng về Đà Nẵng.

"Chỉ cần sơ sẩy một bước chân là tan xác. Nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống ngay trước mắt. Nhưng nghĩ về ngày đất nước liền một dải, ai cũng xiết chặt tay, không lùi bước", ông Nguyễn Đức Trọng nhớ lại.

Chán dung Nguyễn Đức Trọng Ảnh: VD
Chân dung đại úy Nguyễn Đức Trọng. Ảnh: VD

Từ Tây Nguyên đến Nam Trung Bộ, hành quân suốt đêm ngày, đại úy Nguyễn Đức Trọng góp mặt trong những trận đánh ác liệt như Tuy Hòa, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết. Có những đêm, họ phải trinh sát trong bóng tối, chui vào cống tôn bên đường tránh bom đạn địch. Nhiều khi, cái chết chỉ cách một tiếng nổ.

"Chúng tôi đã sống những ngày tháng như thể đếm từng nhịp tim mình, nhưng tuyệt nhiên không ai hoang mang. Vì Tổ quốc, vì lời thề trước lá cờ đỏ thắm, tất cả chúng tôi đều sẵn sàng", ông cười với ánh mắt xa xăm.

Đại úy Nguyễn Đức Trọng dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Thượng Đức Ảnh: VD
Đại úy Nguyễn Đức Trọng dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Thượng Đức. Ảnh: VD

Khoảnh khắc lịch sử: cắm cờ trên Dinh Độc Lập

Ngày 29/4/1975, từ Biên Hòa, hướng tấn công theo quốc lộ 1A, đại úy Nguyễn Đức Trọng cùng đơn vị tiến quân thần tốc về phía Sài Gòn. Trận đánh ở cầu Sài Gòn căng như dây đàn. Tiểu đoàn trưởng hy sinh ngay trên xe tăng, nhưng những người còn lại vẫn siết chặt tay lái, lao thẳng vào thành phố đang cuống cuồng trong những giây phút cuối cùng của chế độ cũ.

 Nguyễn Đức Trọng bên phải, thăm Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng chiến hào Thượng Đức và cùng cánh quân tiến vào Dinh độc lập Ảnh: VD
Nguyễn Đức Trọng (bên phải) thăm Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng chiến hào Thượng Đức và cánh quân tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: VD

Khoảng 11h30 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mà đại úy Nguyễn Đức Trọng đi theo cùng tiến vào Dinh Độc Lập. Trong tiếng hò reo vang trời, trong những vòng tay ôm chặt của người dân Sài Gòn, những người lính trẻ hiểu rằng, họ đã làm nên lịch sử.

"Khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tôi đứng lặng đi. Cả bầu trời như òa vỡ trong tiếng hát, tiếng khóc, tiếng cười. Người dân ôm chầm lấy chúng tôi, mang hoa ra tặng. Có người già quỳ xuống đất vái lạy cảm ơn. Không ai nói thành lời, chỉ có nước mắt chảy dài trên má", ông Nguyễn Đức Trọng rưng rưng.

Thăm bác Bùi Văn Tùng chính ủy 203 xe tăng Ảnh: VD
Đại úy Nguyễn Đức Trọng thăm ông Bùi Văn Tùng chính ủy chỉ huy xe tăng 203. Ảnh: VD

Một đời người – Một đời lính

Giờ đây, khi tuổi đã ngoài 70, đại úy Nguyễn Đức Trọng vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần của người lính năm nào. Những vết sẹo trên cơ thể, những ký ức đẫm máu và nước mắt, không khiến ông bi lụy, mà chỉ khiến lòng ông thêm yêu thương cuộc sống này hơn.

ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý Ảnh: VD
Ông Nguyễn Đức Trọng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Ảnh: VD

Với những cống hiến không thể nào quên, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất chính là những mùa Xuân trọn vẹn, những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình, những dòng người hôm nay tự do đi dưới bầu trời xanh của Tổ quốc.

Dù trở về với cuộc sống giản dị, hình ảnh người chiến sĩ năm xưa vẫn sáng lên trong từng cử chỉ, từng ánh mắt ông - một biểu tượng sống động của lớp người đã viết nên huyền thoại, để hôm nay đất nước có mùa Xuân vĩnh cửu.

Gặp tác giả bức ảnh: Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 Gặp tác giả bức ảnh: Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975"
Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử Người lính xe tăng huyền thoại hạ mệnh lệnh húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30-4 lịch sử
Văn Dũng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động