Thứ năm 23/01/2025 13:55

Hòa giải viên được người dân trân quý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cần mẫn với công việc lặng lẽ, đầy cao quý của mình suốt 18 năm qua, bà Trương Thị Thái (61 tuổi - hòa giải viên thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội ) đã góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết, hóa giải mâu thuẫn, giữ bình yên cho khu phố, cụm dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc và hiệu quả mang lại từ những phần việc bà Trương Thị Thái đã làm càng làm người dân trân quý bà, thêm tin yêu vào cấp ủy, chính quyền cơ sở.(ảnh: Văn Biên)
Sự chân thành - nghĩa tình trong cuộc sống, sự khéo léo - linh động trong công việc và hiệu quả mang lại từ những phần việc bà Trương Thị Thái đã làm càng làm người dân trân quý bà, thêm tin yêu vào cấp ủy, chính quyền cơ sở. Ảnh: Văn Biên

Theo UBND xã Tam Hiệp, sau 9 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn xã Tam Hiệp đã không ngừng phát triển. Hầu hết các tổ hòa giải được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng, thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Để thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, bên cạnh việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, UBND xã Tam Hiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị, hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, tài liệu tuyên truyền, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật, sinh hoạt cộng đồng.

Đến nay, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại xã Tam Hiệp đã thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội cùng tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành cho mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng tiến bộ.

Để đạt được kết quả đáng mừng trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của MTTQ và các đoàn thể thì đội ngũ hòa giải viên tại các Tổ hòa giải trên địa bàn xã Tam Hiệp đã góp phần không nhỏ. Một trong những gương hòa giải viên tiêu biểu tại xã Tam Hiệp là bà Trương Thị Thái.

Chỉ cần tiếp xúc với bà Trương Thị Thái một lần là có thể cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc, tinh thần xây dựng thôn xóm cũng như quê hương Tam Hiệp và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao trong công tác hòa giải ở cơ sở mà bà đã tham gia gần 18 năm nay.

Theo bà Thái, mâu thuẫn phát sinh nhiều nhất vẫn là từ những xích mích, bất hòa liên quan đến quan hệ gia đình như: vợ chồng đánh chửi nhau hay mâu thuẫn bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn giữa các gia đình với nhau liên quan tranh giành đất đai. “Càng gắn bó lâu tôi càng thấy yêu nghề, nhưng cũng trăn trở nhiều hơn, bởi thực trạng hiện nay, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều”, bà Thái tâm sự.

Bà Trương Thị Thái cho biết, mỗi khi chứng kiến cảnh bà con làng xóm cãi vã vì tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội hay mâu thuẫn ngay từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến bà không khỏi trăn trở, tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng dốc sức hơn nữa trong công việc đem niềm vui đến với mỗi gia đình, giữ bình yên cho xóm làng.

“Giữ vững tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn là một điều vô cùng quan trọng. Cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng”, bà Trương Thị Thái tâm niệm.

Chia sẻ với phóng viên PLXH về những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình. Bà Thái cho biết, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải.

Bên cạnh đó, hòa giải viên cần sự kiên trì, nhiệt tình, có khả năng dân vận tốt và đặc biệt là phải gần dân thì mới giải quyết kịp thời những thắc mắc, những tranh chấp. Những thành viên trong tổ hòa giải phải trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các văn bản pháp luật áp dụng vào công tác hòa giải.

“Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viên tổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải”, bà Trương Thị Thái chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Ấu - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, bà Trương Thị Thái là hòa giải viên được người dân quý mến, kính trọng. Nhiều năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bao gia đình. Nhờ bà mà lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Bà Thái xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương”.

Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải
Hòa giải viên “thấu tình, đạt lý” Hòa giải viên “thấu tình, đạt lý”
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động