Hoãn phiên toà xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhiên toà xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sáng 26/12. Ảnh: PV |
Sáng 25/12, Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết và 24 bị cáo khác cùng nhiều bị hại, người liên quan.
Tại phiên toà sáng nay, 24 trong số 25 bị cáo kháng cáo có mặt tại phiên tòa. Đặc biệt, bị cáo Trịnh Văn Quyết, hiện đang bị tạm giam, không có mặt tại phiên tòa. Nhiều luật sư có đơn xin vắng mặt hoặc đề nghị hoãn phiên tòa. Trong đó, tất cả 5 luật sư của ông Trịnh Văn Quyết đều vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.
Có 135 bị hại kháng cáo nhưng chỉ có 4 bị hại có mặt, 35 bị hại xin xét xử vắng mặt, những người còn lại không có mặt. Có 384 người liên quan kháng cáo nhưng 135 người có mặt, 85 xin xét xử vắng mặt, những người còn lại không có mặt.
Chủ tọa phiên tòa cho biết có nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trịnh Văn Quyết nêu lý do sức khỏe và xin thêm thời gian để khắc phục hậu quả vụ án.
Đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trịnh Văn Quyết với các lý do. Bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết tình trạng sức khỏe của bị cáo rất xấu, phải điều trị bệnh lao ác tính và do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày và suy thận cấp. Toàn bộ hồ sơ bệnh án của bị cáo Trịnh Văn Quyết được gửi kèm theo đơn xin hoãn phiên toà.
Đồng thời, các luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết ở cấp phúc thẩm có đơn xin hoãn phiên toà với lý do không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án. Đây là các luật sư mà gia đình mới mời tham gia bào chữa ở giai đoạn phúc thẩm nên chưa nắm được hết tất cả nội dung hồ sơ vụ án từ cấp sơ thẩm. Trong số đó, có cả luật sư bận đi công tác châu Âu (đã có lịch từ trước).
Và cuối cùng, theo trình bày trong đơn, mặc dù sức khoẻ không tốt nhưng bị cáo Trịnh Văn Quyết đã cố gắng, quyết tâm khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả trong thời gian sớm nhất có thể. Do đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết đề nghị cho HĐXX cho thêm thời gian để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị hại và những người liên quan có mặt tại phiên toà. Ảnh: PV |
Theo báo cáo của đại diện trại giam, sau khi nhận được lệnh trích xuất các bị cáo, trại giam đã có công văn hỏi Bệnh viện 198 về tình trạng sức khỏe của bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Theo công văn của bệnh viện, bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị nội trú do bị hen phế quản, ho lao, dị ứng thuốc ho lao… Bệnh nhân khó thở nhiều, đang thở ôxy, cần được điều trị nội trú, theo dõi sức khỏe, chưa đủ điều kiện ra viện. Do đó, trại giam chưa thể trích xuất bị cáo đến phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa đã lấy ý kiến các luật sư, bị hại, người liên quan, bị cáo dưới hình thức biểu quyết về việc hoãn phiên tòa. Không có luật sư hay bị cáo nào phản đối việc hoãn phiên tòa.
Về bị hại, 4 người bị hại có mặt tại phiên tòa đều không đồng ý hoãn phiên tòa, có bị hại nói rằng họ rất mất công sức để thu xếp có mặt tại tòa. Có 2 người liên quan có mặt đồng ý hoãn phiên tòa, phần còn lại không đồng ý.
Được HĐXX hỏi ý kiến, đại diện VKS thấy rằng phiên tòa mở lần đầu, bị hại, bị cáo, luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, cho các bị cáo có điều kiện khắc phục nốt hậu quả vụ án.
Sau đó khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa công bố quyết định hoãn phiên tòa. Ngày mở lại phiên tòa sẽ được HĐXX công bố sau.
Trước đó, chiều 5/8, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Theo đó, HĐXX sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù đối với 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị áp dụng 8 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà bị cáo Trịnh Văn Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trịnh Văn Quyết. Đến nay, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã khắc phục được số tiền hơn 600 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm thể hiện, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng. Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. |
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm sắp hầu tòa | |
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chuẩn bị hầu tòa phúc thẩm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại