Thứ năm 23/01/2025 13:49

Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
Khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ Việt Nam
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Trong đó, giáo dục đạo đức là nền tảng, được thể hiện qua phương châm dạy học "Tiên học lễ, hậu học văn", là "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề". Tập trung thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: "Yêu tổ quốc, Yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, chăm lo cho thanh niên và công tác thanh niên là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, công tác tuyên giáo, với tư cách là một trong những công tác trọng yếu của Đảng tiếp tục giữ vững vai trò đi trước - mở đường trong ổn định tư tưởng, tâm lý xã hội. Công tác tuyên giáo là công tác với con người, vì con người trong đó có thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

"Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng là quá trình thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục; cần được tổ chức triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả từ mỗi gia đình, nhà trường; sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường.

Và chính thế hệ trẻ, các bạn thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cũng phải ra sức học tập, lao động, rèn luyện để ngày càng tiến bộ, tự bồi đắp ước mơ và hoài bão, hun đúc bản lĩnh, ý chí tự cường và truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giữ vững các thành quả cách mạng, thực hiện được mục tiêu cao cả: xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu mạnh, đất nước ta ngày càng hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu quan trọng của nền giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành công dân toàn cầu. Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai rất nhiều công việc để đạt tới mục tiêu đó, mà Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030" là một trong nội dung triển khai quan trọng, tập trung và toàn diện".

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, một trong các vấn đề quan trọng trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.

Ngành Giáo dục đã chỉ đạo tăng cường công tác “dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều khẳng định, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều giải pháp cũng được đưa ra nhằm "tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030” như: Tăng cường kết nối gia đình - nhà trường, đẩy mạnh tư vấn tâm lý và văn hóa ứng xử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên;

Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống; đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống...

Ngành Giáo dục phấn đấu hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg gồm: Đến năm 2025, đạt trên 80% thanh niên, học sinh, sinh viên ở đô thị; trên 70% thanh niên, học sinh, sinh viên ở nông thôn; 60% thanh niên, học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú. Đến năm 2030, đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng...
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động