Thứ hai 12/05/2025 11:45

Khơi dậy mọi nguồn lực xã hội, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/10/2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát tính đến ngày 7/5/2025

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc và tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta. Việc triển khai chương trình không chỉ góp phần ổn định đời sống cho các hộ dân nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu kết luận, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương trong việc tích cực triển khai Chương trình và chuẩn bị chu đáo Phiên họp trực tuyến thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Tính đến ngày 7/5/2025, theo báo cáo tổng hợp, cả nước đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được gần 209.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, trong đó đã hoàn thành và bàn giao 111.211 căn, đang xây dựng gần 98.000 căn. Riêng từ sau Phiên họp thứ 3 cách đây hai tháng, cả nước đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa thêm được gần 87.000 căn nhà – một kết quả cho thấy nỗ lực lớn của hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình.

Đặc biệt, tính đến ngày 7/5/2025, có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Dự kiến, trong tháng 6/2025, dự kiến có thêm 16 địa phương hoàn thành Chương trình, gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu.

26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến tháng 10/2025 hoàn thành Chương trình (tháng 7: 4 địa phương; tháng 8: 4 địa phương; tháng 9: 9 địa phương và tháng 10: 9 địa phương).

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ngành ngân hàng, các cơ quan truyền thông, các bộ, cơ quan, địa phương, các đơn vị tài trợ đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, báo cáo chậm, không cập nhật đầy đủ số liệu, chưa xác định đầy đủ nhu cầu hỗ trợ hoặc còn chậm trong việc phân bổ nguồn lực. Có địa phương chậm lập kế hoạch, thiếu kiểm tra, giám sát; vẫn còn tình trạng bị động, ỷ lại vào Trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, còn tâm lý chờ cấp trên, ngại việc, sợ trách nhiệm hoặc thiếu tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong xử lý các tình huống đặc thù. Một số địa phương gặp khó khăn khách quan như địa hình chia cắt, phong tục tập quán người dân, thời tiết không thuận lợi...

Rút ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh rằng nơi nào làm tốt đều có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; có kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ông yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả), đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tình trạng rườm rà, trì trệ.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, chỉ bàn làm, không bàn lùi; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sỹ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).

Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân", "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trên địa bàn (Quân đội, Công an, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, họ hàng, làng xóm...). Khơi dậy mọi nguồn lực xã hội, phát huy nội lực là chính, kết hợp với sự hỗ trợ từ Trung ương và cộng đồng. Các địa phương cần sáng tạo trong vận động nguồn lực, trong tổ chức triển khai, chú trọng yếu tố văn hóa, phong tục để tạo sự đồng thuận cao từ người dân.

Thủ tướng kêu gọi toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước chung tay, góp sức vì mục tiêu nhân văn cao cả này. Với phương châm "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", chương trình không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là phong trào thi đua yêu nước.

Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Hà Nội: hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024
Phát huy sức mạnh toàn dân trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động