Kinh nghiệm quốc tế về khu phát triển thương mại văn hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng huyện Mê Linh năm 2024. Ảnh: Phạm Hùng |
Không gian văn hóa cần thiết cho sự giao lưu, sáng tạo
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về khu phát triển thương mại văn hóa và đề xuất áp dụng triển khai tại Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho biết, không gian văn hóa rất cần thiết cho sự giao lưu, sáng tạo và làm phong phú đời sống con người.
Trong quá trình hình thành và phát triển đô thị, nhiều không gian văn hóa đã được hình thành, một số không gian văn hóa đang tiếp tục được phát triển. Những không gian văn hóa đô thị hay làng xã có tính đặc trưng cho một số vùng miền như những tuyến phố “hàng" chuyên kinh doanh một số sản phẩm, hàng hóa hay làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), các khu phố cũ có giá trị về kiến trúc và văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Những không gian này là sự kết hợp giữa hoạt động thương mại với các đặc điểm văn hóa đời sống của khu vực, có giá trị văn hóa cảnh quan, công trình kiến trúc có giá trị (di sản vật thể) cho đến tinh thần hợp tác kinh doanh buôn có bạn, bán có phường (di sản phi vật thể) của người Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần phải giữ gìn được giá trị văn hóa này trong quá trình phát triển kinh tế có khả năng xóa bỏ hoặc làm tổn hại các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở những không gian văn hóa này.
Việc phát triển đô thị và kinh tế xã hội đòi hỏi phải phát huy tối đa các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế đô thị như tiềm năng, lợi thế về quy mô kinh tế, vị trí địa lý, văn hóa - xã hội mang bản sắc riêng.
Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị cũng đòi hỏi cần phải có những không gian văn hóa mới để làm gia tăng năng lực gắn kết cộng đồng và đáp ứng nhu cầu về các hoạt động văn hóa. Nhiều đô thị ở Việt Nam đã có những khu phố đi bộ, tuyến phố kiểu mẫu để tạo ra các không gian văn hóa cộng đồng cho khu vực.
Một số khu vực đô thị mới cũng phát triển những khu vực chung để tạo ra những điểm nhất về không gian văn hóa cho khu vực do chính các chủ đầu tư ở khu vực tư nhân thực hiện, như khu Mega World của Vinhome Ocean Park, khu Mailand Hanoi city tại Hà Nội... Chính quyền một số quận, huyện cũng đã đầu tư để tạo ra các tuyến phố đi bộ vào cuối tuần, tuyến phố chuyên doanh, hoặc thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế đêm gắn với đời sống văn hóa đô thị để hy vọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong khu vực và tạo nên một sức sống văn hóa mới cho khu vực.
Khu phát triển thương mại văn hóa thu hút du lịch
Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có các khu phố cũ, phố cổ đã hình thành các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa để hồi sinh lại các sức sống văn hóa, thu hút du lịch, phát triển các hoạt động thương mại tại nhiều đô thị trên thế giới, đem lại nguồn thu cho người dân địa phương và nhà nước, như Canada, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Singapore, Đức...
Các khu phát triển thương mại văn hóa có tính chất, đặc điểm như quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô 2024 là các khu khu thúc đẩy thương mại và văn hóa Bussiness improvement district (BID) được hình thành ở nhiều TP trên thế giới với khoảng 50 năm hình thành và phát triển.
Đặc điểm của BID đó là các khu BID được hình thành ở các khu vực có truyền thống về hoạt động thương mại, điểm thu hút về cảnh quan, công trình kiến trúc có giá trị hoặc địa điểm văn hóa cộng đồng. Ở các khu BID, các chủ thể kinh doanh và cộng đồng dân cư hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền để tạo ra một khu vực đặc biệt về bảo đảm an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành. Các doanh nghiệp trong khu BID cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ...
Hoạt động của khu BID sẽ hình thành ý thức về tự quản cộng đồng về bảo tồn văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường và quản trị đô thị để có thể nâng cao chất lượng đời sống của người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực. Chính quyền nhiều TP trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các khu thúc đẩy thương mại này, như kêu gọi thành lập với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, xây dựng các cẩm nang hướng dẫn người dân tự thành lập...
![]() |
Luật sư Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Quốc hội |
Đề xuất triển khai khu phát triển thương mại văn hóa
Luật sư Nguyễn Hưng Quang chia sẻ, quy định của Luật Thủ đô 2024 về khu phát triển thương mại và văn hóa là một định hướng đúng đắn và phù hợp để có thể bảo vệ và phát huy các không gian công cộng, không gian văn hóa và phát triển các không gian văn hóa mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí cho thanh niên, du khách nước ngoài và kinh tế ban đêm. Các quy định tại khoản 8 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024 đã tạo khuôn khổ pháp lý cơ bản cho việc hình thành các khu phát triển thương mại và văn hóa.
Dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam đã đề xuất một số nội dung triển khai hiệu quả Điều 21 Luật Thủ đô 2024 về khu phát triển thương mại văn hóa. Theo đó, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng áp dụng mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa để thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, hoặc có thể chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có (như khu vực hồ Hoàn Kiếm và các chuyên doanh lân cận, khu phố Trịnh Công Sơn, khu Công viên Thống nhất, khu Đảo Ngọc Ngũ Xã - hồ Trúc Bạch, khu thành cổ Sơn Tây...), một số làng nghề truyền thống (như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia thường lựa chọn những khu vực đang có những điều cũng đang thí điểm áp dụng mô hình này để chấn hưng văn hóa và thúc đẩy sự phát triển thương mại. Dựa trên những mô hình khu phát triển thương mại văn hóa triển khai có tính thì điểm, các cơ quan Nhà nước có thể tiến hành rút kinh nghiệm, sửa đổi quy định, cơ chế hiện hành để điều chỉnh phương án phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao hoặc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện cần lập đề án thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại một khu vực dự kiến. Nội dung của đề án cần bám sát với quy định tại Điều 21 của Luật Thủ đô 2024. Kèm theo đề án, đơn vị lập đề án cần có biên bản lấy ý kiến cư dân, đơn vị kinh doanh trong khu vực dự kiến thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa.
Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cần ban hành quy chế mẫu của khu phát triển thương mại và văn hóa. Dựa trên những nội dung cơ bản nêu trên, mỗi khu phát triển thương mại và văn hóa có thể xây dựng quy chế riêng cho khu của mình dựa trên mục tiêu, tầm nhìn của mỗi khu, tính khác biệt hóa của mỗi khu để thúc đẩy kinh doanh, thu hút du khách và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân trong mỗi khu.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết thêm, Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều chính sách, quy định có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển mọi mặt của Thủ đô, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô 2024 đã quy định mô hình xây dựng khu phát triển thương mại văn hóa tại Hà Nội. Đây là một mô hình pháp lý để có thể phát huy được các không gian văn hóa để làm phong phú đời sống xã hội, góp phần phát triển bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như thu hút du lịch để phát triển kinh tế. |
Luật Thủ đô 2024: phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại nhiều lợi ích | |
Nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Thủ đô |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại