Kỳ 1: Khai thác tốt hơn nguồn lực từ đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững năm qua, Hà Nội đã gia tăng việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai. |
Tăng hiệu quả sử dụng từ nguồn lực đất đai
Luật Thủ đô được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 trong đó có quy định: Đất đai trên địa bàn Thủ đô được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật về đất đai.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tỷ lệ thửa đất cần cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%, tương đương gần một triệu 552 nghìn thửa đất. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở đạt 98,6%; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư đạt 98,7%; cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 99%.
Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết: Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ TP đến các quận, huyện, thị xã, các phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Hàng năm, UBND TP trình HĐND TP nghị quyết phê duyệt danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; danh mục công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn TP; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thu hồi đất giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất hàng năm khoảng 20.000-28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% - 18% tổng nguồn thu ngân sách TP, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng Thủ đô.
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hàng năm, UBND TP đều ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách TP; đồng thời, công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng góp phần tăng nguồn thu hàng năm cho ngân sách cấp huyện để đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới .
Kết quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn TP giai đoạn 2016-2020, đã thu hồi đất và GPMB là 2.873 dự án, với diện tích là 16.106 ha (trong đó, 388 dự án đã hoàn thành, đang tiếp tục thực hiện đối với 2.485 dự án), số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và GPMB là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.
Quy hoạch đường dài
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, làm cơ sở để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện trên địa bàn.
Theo tiến độ đề ra, trước quý III-2021, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện phải hoàn thành và trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, làm cơ sở thông qua HĐND cấp huyện; trước ngày 5-10-2021 hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, trình Sở TN&MT Hà Nội.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trong trình tự lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện phải lấy ý kiến quy hoạch và phải có báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về quy hoạch sử dụng đất được công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
Trong đó, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng tính đặc thù của từng địa phương, đảm bảo sự cân bằng, phát triển bền vững.
Quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của thành phố, cấp huyện giai đoạn 2011-2020; kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, bài học kinh nghiệm rút ra trong việc lập và triển khai quy hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đất đai là vấn đề thường xuyên phát sinh vấn đề mới. Trong đó, sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Trong khi đó, vai trò mạnh mẽ của Luật Thủ đô liên quan đến đất đai chỉ thực hiện được khi có những điều khoản, cơ chế làm nổi bật được tính đặc thù. Vì vậy, chỉ ra những điểm còn khó khăn, bất cập của quản lý đất đai sẽ giúp điều chỉnh chính sách tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, việc lập quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; làm gia tăng giá trị kinh tế, tài chính đất đai. Quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương nhằm khai thác tối đa thế mạnh, tiềm năng đất đai, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại