Thứ năm 23/01/2025 03:05
Bạo lực từ những va chạm – cách nào ngăn chặn?

Kỳ cuối: Cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để ngăn chặn những vụ bạo lực bởi va chạm trong cuộc sống, theo chuyên gia, xã hội không thể bỏ qua những dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Các cơ quan có chuyên môn cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng để giúp người dân giải tỏa căng thẳng, áp lực, từ đó giảm nguy cơ xảy ra bạo lực…
Đối tượng đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 tại Trại tạm giam Chí Hòa. Ảnh: Công an cung cấp
Đối tượng đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở Quận 4 tại Trại tạm giam Chí Hòa. Ảnh: Công an cung cấp

Hiệu ứng đám đông là một trong những yếu tố dẫn đến hành vi bạo lực

Nói về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng khi tham gia giao thông, va chạm nhau hoặc từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, luật sư Nguyễn Thị Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây không chỉ là vấn đề về ý thức, mà còn thể hiện sự coi thường quy tắc cuộc sống, pháp luật và đạo đức cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Thịnh, nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực khi tham gia giao thông là do y thức pháp luật kém, không chấp hành quy định giao thông và không có ý thức tôn trọng người khác. Ngoài ra, do tâm lý nóng nảy, không kiềm chế được sau khi xảy ra mâu thuẫn, nên thay vì giải quyết ôn hòa, họ lại phản ứng bằng bạo lực.

“Dù pháp luật có quy định về việc xử lý những vấn đề nêu trên, tuy nhiên việc thực thi chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tâm lý xem thường pháp luật của một nhóm đối tượng lấy bạo lực làm cách giải quyết, tấn công nạn nhân ngay cả khi họ không có lỗi”- luật sư Nguyễn Thị Thịnh nêu quan điểm.

Còn theo thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học của Bộ Công an, dưới góc nhìn tội phạm học, đây là dạng hành vi bạo lực bộc phát, thường do yếu tố tâm lý, môi trường xã hội và sự thiếu kiềm chế cá nhân. Các vụ việc như đánh ghen, mâu thuẫn giao thông hay xô xát từ những va chạm nhỏ thường diễn ra rất nhanh, bộc phát trong tình huống căng thẳng tức thời.

Điều này cho thấy một bộ phận người dân có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì thương lượng hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Bạo lực trong những tình huống này không chỉ gây tổn hại về thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, gây bất an trong cộng đồng và làm xói mòn các giá trị đạo đức xã hội.

Theo ông, có 2 nguyên nhân chính, xuất phát từ cá nhân và xã hội.

“Với nguyên nhân cá nhân, có 3 yếu tố: phần lớn các đối tượng trong những vụ việc này không có khả năng tự kiểm soát cảm xúc khi gặp mâu thuẫn. Nhiều người cho rằng việc "nhịn" là mất thể diện, dẫn đến việc dùng bạo lực để khẳng định cái tôi.

Thượng tá Đào Trung Hiếu còn cho rằng, cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều áp lực về công việc, tài chính, tình cảm…, khiến con người dễ mất kiểm soát khi gặp các kích thích tiêu cực.

Với nguyên nhân xã hội, ông cũng chỉ ra những yếu tố. Đó là hiện tại, còn có một bộ phận người dân chưa được giáo dục đầy đủ về cách ứng xử văn minh và tôn trọng pháp luật. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các nội dung bạo lực trên mạng xã hội, phim ảnh khiến nhiều người có xu hướng hành động theo bản năng khi gặp mâu thuẫn.

“Hiệu ứng đám đông cũng là một trong những yếu tố cốt lõi dẫn đến những hành vi như trên. Trong một số trường hợp, sự cổ vũ của đám đông làm tăng mức độ bạo lực, khiến đối tượng hành động một cách cực đoan hơn” - thượng tá Đào Trung Hiếu nói.

“Yếu tố về áp lực xã hội cũng không thể bỏ qua. Thực tế, nhiều người cảm thấy áp lực từ những người xung quanh, dẫn đến hành động bộc phát để bảo vệ danh dự hoặc thể diện cá nhân” – thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học - Bộ Công an. Ảnh: NVCC
Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học - Bộ Công an. Ảnh: NVCC

Không thể bỏ qua những dịch vụ hỗ trợ tâm lý

Để ngăn ngừa những sự vụ, hành vi như đã nói, theo luật sư Nguyễn Thị Thịnh, cần đẩy mạnh giáo dục ý thức giao thông, đặc biệt với các tài xế và nhóm người thường xuyên tham gia giao thông tại khu vực đông đúc; tuyên truyền về hậu quả pháp lý của các hành vi bạo lực, giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm khi tham gia giao thông; mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng về giao thông và hành vi bạo lực; khuyến khích người dân ghi lại hình ảnh, thu thập bằng chứng các vụ việc vi phạm để hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng.

Còn theo thượng tá Đào Trung Hiếu, dể để bản thân bị "chi phối bởi cảm xúc tức thời", "thiếu kiềm chế"... từng cá nhân cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Mỗi cá nhân cần học cách kiềm chế cảm xúc và phản ứng bình tĩnh trước các tình huống căng thẳng.

Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức pháp luật, cần hiểu rõ rằng mọi hành vi bạo lực đều có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn.

Đặc biệt, mỗi người cần được giáo dục về văn hóa ứng xử, cần được khuyến khích lối sống văn minh, tôn trọng người khác và biết cách giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hoặc nhờ sự can thiệp của pháp luật.

Với cơ quan quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng cần được tăng cường. Cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục về kỹ năng sống, cách giải quyết mâu thuẫn và văn hóa ứng xử. Song song với đó, các hành vi bạo lực đã xảy ra phải bị xử lý nghiêm để tạo tính răn đe trong cộng đồng.

Đồng thời, xã hội không thể bỏ qua những dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Các cơ quan có chuyên môn cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng để giúp người dân giải tỏa căng thẳng, áp lực, từ đó giảm nguy cơ xảy ra bạo lực.

Tóm lại, các vụ việc bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cá nhân, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, xử lý và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Ngoài ra, mỗi người dân cần rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc, sống văn minh và biết tôn trọng người khác để góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh hơn.

Còn dưới góc độ tâm lý học hành vi, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, những người có xu hướng bạo lực thường có tâm lý nóng nảy, dễ bị kích động khi cảm thấy bị xúc phạm. Phản ứng của họ mang tính bản năng, thiếu suy nghĩ thấu đáo về hậu quả. Họ bị cảm xúc giận dữ lấn át lý trí và hành động ngay khi bị kích thích. Một số cá nhân không đặt mình vào vị trí của người khác, từ đó dễ dẫn đến các hành vi bạo lực mà không quan tâm đến hậu quả.
Kỳ 1: Động đến mình là… đánh
Kỳ 2: Những nỗi ân hận muộn màng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động