Thứ sáu 24/01/2025 10:46
Thủ đoạn lừa đảo qua các cuộc điện thoại:

Kỳ 1: Những cuộc gọi nhân danh cán bộ Nhà nước…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, một nạn nhân ở quận Ba Đình đã bị mất 1,6 tỷ đồng bởi một cuộc điện thoại mạo danh cơ quan cảnh sát điều tra. Mặc dù hình thức lừa đảo không mới, thế nhưng cho đến nay, vẫn rất nhiều người bị sập bẫy bởi thủ đoạn trên.

Giả làm cán bộ điều tra, nhân viên ngân hàng… để lừa đảo

Trước đó không lâu, anh T.M.T, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đã nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người gọi điện tự xưng là cán bộ của Tòa án TP Hà Nội, gọi điện đến thông báo anh có liên quan đến một vụ án lừa đảo đã khởi tố, tuy nhiên Tòa đã gửi giấy triệu tập mà chưa thấy anh lên.

“Tôi thực sự hoang mang vì đối phương đọc rất chính xác số chứng minh thư, địa chỉ thường trú cũng như biết rõ số điện thoại của tôi. Tôi nhất định cho rằng có nhầm lẫn, nên đối phương đã cho một số tổng đài và hướng dẫn thao tác để liên hệ trực tiếp với “Tòa án” để giải quyết khúc mắc …” - anh T kể.

Vẫn cho rằng có sự nhầm lẫn ở đây, anh T đã điện cho một người bạn là CA huyện xin tư vấn. Lúc này sau khi được bạn anh phân tích và dẫn chứng một vài vụ lừa đảo, anh mới biết mình xém chút thì trở thành một nạn nhân của thủ đoạn không mới này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không may mắn như anh T, vào tháng 5 - 2021, ông N.V.Q, ở quận Cầu Giấy, nhận được một cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là CA, thông báo ông Q đang bị điều tra về một vụ án ma túy. Để có cơ sở giải quyết, đối tượng yêu cầu ông Q chuyển tiền cho anh ta số tiền 2,6 tỷ để xác minh. Vì quá hoảng sợ, ông Q đã chuyển cho đối tượng 2,6 tỷ đồng. Sau đó, ông mới biết mình bị lừa và đến CQCA trình báo.

Tương tự, tháng 4, chị N.T.L, ở Phúc Thọ, nhận được cuộc gọi điện thoại của người lạ, thông báo việc chị đã mở một tài khoản tại ngân hàng chi nhánh tại Đà Nẵng và đang nợ số tiền gần 40 triệu đồng. Tuy phủ nhận việc mình mở tài khoản cũng như vay nợ, nhưng khi được đối tượng đọc rất rõ số chứng minh thư, địa chỉ nhà… đồng thời tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an, chị đã làm theo yêu cầu của đối tượng. Theo đó, chị gửi đối tượng ảnh chụp thẻ ngân hàng, chứng minh thư nhân dân của mình. Không lâu sau cú điện thoại ấy, chị phát hiện, tài khoản ngân hàng của chị đã bị mất 395 triệu đồng.

Không chỉ với những chiêu trò giả làm nhân viên Tòa án, cán bộ điều tra, các đối tượng này còn giả làm nhân viên gọi điện đến người dân với chiêu trò thông báo phạt nguội. Anh N.V.P, ở quận Long Biên cho biết, ngay đợt đầu giãn cách, anh đã nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Đối tượng tự xưng là tổng đài viên của lực lượng Cảnh sát Giao thông, gọi điện đến cho anh thông báo hành vi vi phạm giao thông ở Hà Đông vào cuối tháng 2 - 2021.

“Họ nói hành vi vi phạm giao thông của tôi đã hết thời hạn xử lý nên đề nghị cung cấp số biên bản vi phạm. Thực sự thì tôi rất hoang mang, bởi trong cả tháng 2 vừa rồi gần như chỉ ở nhà, nếu có đi cũng chỉ loanh quanh trong khu vực nên không thể xảy ra vi phạm giao thông ở Hà Đông được. Xong người kia yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin, giấy tờ… để tra cứu biên bản” – anh P kể.

Anh P cho rằng việc dễ dàng khiến người ta tin vào các cuộc điện thoại đó là bởi các đối tượng thường nắm tương đối đầy đủ và chính xác số chứng minh thư, số điện thoại cũng như nơi lưu trú của nạn nhân. Việc quá đột ngột khi nghe một người lạ biết rõ mình như thế, kèm theo những tội trạng “tày đình” thường khiến bị hại tạm thời lo sợ, thiếu sáng suốt để đánh giá tình huống. “Chứng tỏ, các đối tượng này cũng có nghiên cứu nhất định về tâm lý con người nên vận dụng khá tốt việc khơi lên những nỗi sợ hãi của người dân, mặc dù trong đời sống thực họ luôn minh bạch” – anh P nhận định.

Không khó nhận diện các cuộc gọi này

Theo CA TP Hà Nội, trong thời gian qua, cơ quan này đã xử lý rất nhiều những vụ việc lừa đảo từ các cuộc điện thoại giả mạo.

Phương thức và thủ đoạt hoạt động của tội phạm lừa đảo dạng này không quá khó để nhận biết. Đối tượng thường sử dụng công nghệ cao, sử dụng những số điện thoại giống hệt với số điện thoại công khai của CQCA, Viện kiểm sát… để gọi điện.

Nội dung thường là thông báo cho nạn nhân họ đang bị kiện vì bị nợ tiền bạc hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà CQCA đang điều tra. Các đối tượng này còn in giả lệnh bắt, lệnh khám nhà của các cơ quan chức năng để chụp gửi cho nạn nhân, đồng thời yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt có trong ngân hàng để “phục vụ xác minh, điều tra”.

Để khiến cho nạn nhân thêm sợ hãi và hoang mang, nhất thời mất đi sự phán đoán, các đối tượng này thường yêu cầu nạn nhân không nói chuyện, hoặc kể cho ai để “phục vụ công tác điều tra”. Và việc lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền hay gửi số tài khoản cũng như mã OTP cũng sẽ diễn ra ngay sau đó không lâu.

Hầu hết những cuộc gọi có mô típ như vậy sẽ thường là lừa đảo, vì theo quy định của pháp luật, để giải quyết những hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời cũng không có quy định nào cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

Ngoài ra, còn thêm một hình thức lừa đảo nữa, theo anh N.Đ.T, ở Gia Lâm, nhân viên của VNPT, người sử dụng điện thoại cũng nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Nhận diện các số gọi này, theo anh T, các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc số 00 ở đầu. “Mọi người đều biết, +84 là mã vùng Việt Nam, còn những dãy số sau dấu + như +373, +261, +240, +226… đều là những đầu số nước ngoài. Các cuộc gọi nhỡ với mục đích để các thuê bao trong nước gọi lại, phát sinh cước viễn thông. Thường những cuộc gọi này sẽ bị trừ phí rất cao…” – anh T nói.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động