Thứ năm 23/01/2025 03:10

“Nở rộ” chiêu trò mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau một thời gian “tạm lắng”, chiêu trò mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo lại trỗi dậy mạnh mẽ. Rất nhiều người dân các tỉnh, thành phản ánh về tình trạng này và một số người đã trở thành nạn nhân bị lừa số tiền không nhỏ.
“Nở rộ” chiêu trò mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo
Ảnh minh họa.

Bản thân người viết cũng vừa gặp “một nhân viên điện lực giả mạo” lừa đảo với chiêu thức dù cũ nhưng không phải không có nạn nhân sa bẫy.

Vừa qua, nhiều người dân trên địa bàn một số tỉnh, thành phản ánh họ nhận được cuộc gọi mạo danh nhân viên ngành điện, yêu cầu thanh toán tiền điện hoặc bổ sung căn cước công dân thực hiện ký lại hợp đồng mua bán điện qua app để tiện theo dõi và thanh toán tiền điện. Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân thanh toán tiền hoặc gửi các đường dẫn (link) để người dân truy cập, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.

Ngày 31/8/2024, bà N.T. A. (ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhận cuộc gọi từ một số điện thoại giới thiệu là nhân viên điện lực và nói trên hệ thống xác nhận bà A. chưa đóng tiền điện. Khi bà N.T. A. nói đã đóng tiền thì người này yêu cầu kết bạn qua zalo với tài khoản tên “Quân Lê” tự xưng nhân viên điện lực. Sau đó, người này yêu cầu bà A. cài ứng dụng “EVNNPC.brv.gov.com” để đóng tiền điện dễ hơn và không bị lỗi.

Do tin lời đối tượng nói là thật nên bà N.T. A. đã truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp để tải ứng dụng (giả mạo) cài đặt trên điện thoại. Sau đó, bà N.T. A. nhập thông tin cá nhân của mình vào app giả mạo thì điện thoại của bà N.T. A. bị tối màn hình, có vòng tròn đang xoay và không sử dụng được.

Lúc này “Quân Lê” vẫn tiếp tục nói chuyện với bà N.T. A. và yêu cầu bà chụp hình khuôn mặt gửi qua và giữ máy để hệ thống cài đặt app cho xong. Khoảng 30 phút sau, tài khoản zalo “Quân Lê” dừng cuộc nói chuyện và điện thoại của bà N.T. A. cũng hoạt động lại bình thường, nhưng khi mở máy lên thì phát hiện app “EVNNPC.brv.gov.com” không còn và số tiền 608.899.999 đồng trong tài khoản ngân hàng của bà đã bị chiếm đoạt.

Có khách hàng tại Hải Dương nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02207779998 giới thiệu là nhân viên điện lực. Cuộc điện thoại đề nghị khách hàng gửi hóa đơn tiền điện và thực hiện hành vi lừa đảo với lý do xác nhận thông tin chuyển trả tiền điện với lý do vì điện lực tính toán sai tiền điện trong kỳ thay đổi lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng.

Tại Bắc Ninh, một số khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02227779923 với đề nghị cung cấp hóa đơn tiền điện tháng 1, 2 và 3 để nhận tiền hoàn trả từ 10% - 15% theo hóa đơn tổng tiền tiêu thụ trong năm 2023 và 2024. Các đối tượng lừa đảo đưa ra lý do được nhận hoàn tiền là do điện lực đang có chương trình hỗ trợ khách hàng tiền điện.

Các khách hàng trên sau khi nhận cuộc gọi sẽ bị đối tượng lừa đảo gửi yêu cầu kết bạn qua zalo và đề nghị khách hàng gửi thông tin hóa đơn tiền điện để đối chiếu, sau đó sẽ hướng dẫn khách hàng cập nhật lại hồ sơ thông qua thông tin của điện lực (EVN) để nhận lại tiền bằng đường link, website lạ hoặc hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại để cập nhật hồ sơ.

Đặc biệt, có các cuộc gọi giả danh tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện lực với mục đích trả lời khách hàng và thu cước phí cuộc gọi lên đến 8.000 đồng/phút.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hay thông tin lạ để tránh bị mất tiền.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước thủ đoạn trên. Nếu nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo nợ tiền điện, hãy kiểm tra thông tin trực tiếp từ công ty điện lực qua các kênh chính thức như website hoặc số tổng đài.

Công ty điện lực thường không yêu cầu thanh toán gấp qua điện thoại hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng hoặc thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email nếu chưa chắc chắn nguồn gốc thông báo. Tránh truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc.

Nếu cần thanh toán hóa đơn, hãy truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của công ty điện lực. Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Phòng ngừa tội phạm ở “thị trường” hẹn hò online Phòng ngừa tội phạm ở “thị trường” hẹn hò online

Từ những mối tình “online” qua các ứng dụng hẹn hò, các đối tượng bắt đầu tiếp cận, tâm sự dưới mác yêu đương để ...

Chiêu trò có nhiều phòng trọ giá rẻ cho thuê của gã trai trẻ Chiêu trò có nhiều phòng trọ giá rẻ cho thuê của gã trai trẻ

Ngày 24/10/2024, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Công an thị xã Việt Yên vừa bắt khẩn cấp 1 đối tượng lừa đảo trên ...

Ban Mai
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động