Thứ sáu 24/01/2025 10:48
Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến

Kỳ 1: Sẽ có phiên tòa xét xử trực tuyến?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
LTS: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác xét xử và không bị án tồn, án quá hạn, TAND TC đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để giải quyết các vụ án. Từ số này, PL&XH có loạt bài về vấn đề này…
Kỳ 1: Sẽ có phiên tòa xét xử trực tuyến?
Một phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo của TAND TP Hà Nội

TAND TC cho rằng, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của tòa án khi nhiều vụ việc đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch... Các phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết những vụ việc tồn đọng này.

Phù hợp với xu thế toàn cầu

Xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng chánh án châu Á, ASEAN.

Trong Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nêu rõ, xét xử trực tuyến là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ được mở tại tòa án với thành phần tham gia là Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, luật sư. Riêng bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo nhìn thấy mọi hình ảnh, diễn biến phiên tòa xét xử và có thể trao đổi với nhau.

Theo dự thảo quy chế xét xử do TAND TC soạn thảo, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm. Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam.

Đối với những vụ án xét xử phúc thẩm thì sẽ xét xử trực tuyến các vụ án bị tòa cấp sơ thẩm kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Các vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Xuất hiện cảnh sát với vai trò là người tham gia tố tụng khác!

Dự thảo quy chế nêu, không mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, tội chống lại loài người, hủy hoại hòa bình…

Các vụ án không được mở phiên xử trực tuyến gồm vụ việc liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; các vụ trong nhóm tội chống lại loài người. Điều kiện xét xử trực tuyến gồm bị cáo, trại tạm giam trong vụ hình sự hoặc đương sự trong các vụ việc hành chính, dân sự có đơn yêu cầu và được Viện kiểm sát Nhân dân đồng ý.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên xét xử trực tuyến cũng như yêu cầu khi tham gia xét xử. Đặc biệt, để đảm bảo đủ điều kiện xét xử trực tuyến thì cần có đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; bị cáo, đương sự phải có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến, văn bản đề nghị của nơi giam giữ; văn bản đồng ý xét xử trực tuyến của kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong vụ án.

Phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính. Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt HĐXX, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.

Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.

Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho HĐXX hoặc chủ tọa. Với bị cáo, nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và TAND sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.

(Còn nữa)

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động