Thứ sáu 24/01/2025 07:29
Phóng sự - "Chuyện buồn giữa đại ngàn Quỳ Châu"

Kỳ 3: Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ từng yêu cầu phải đóng cửa rừng, tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và thủy điện nhỏ. Đó là một động thái hết sức cứng rắn. Thế nhưng, trong những năm qua, huyện Quỳ Châu vẫn thực hiện việc chuyển đổi diện rừng để trồng cây công nghiệp, nguyên liệu. Thiết nghĩ, cần có một cuộc “giải phẫu” để có những giải pháp căn cơ để giữ rừng.

Đề án “nuốt rừng ?

Đem những băn khoăn, thắc mắc về diện tích rừng tại Châu Phong đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ để trồng cây keo, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, về đơn tố cáo của ông Vi Văn Phong và 6 hộ dân khác tại xã Châu Phong về nội dung chiếm dụng đất, hủy hoại rừng, phá rừng trái pháp luật đối với ông Ng. V. H ( thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu), UBND huyện đã có Quyết định số 1341/QĐ-UBND ngày 28-6-2021 thành lập đoàn kiểm tra, xác minh đơn tố cáo. Thời hạn giải quyết là 20 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản này.

“Hiện nay đoàn kiểm tra vẫn đang tiến hành làm việc kiểm tra, xác minh, chưa có kết quả. Bước đầu cũng xác định được một số diện tích thuộc DT2 bị xẻ phát, hiện UBND huyện đã giao kiểm lâm xử lý theo quy định” – ông Lý cho biết.

Kỳ 3:  Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng
Ngút tầm mắt giữa đại ngàn chỉ còn màu cháy đen loang lổ.

Về nội dung vì sao Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng, không chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp...nhưng thực trạng qua chuyến đi PV ghi nhận rằng rừng tại địa bàn xã Châu Phong đang bị xâm hại nghiêm trọng, cụ thể là chặt, đốt, nhiều khoảnh rừng gỗ nằm nhan nhản, trơ trụi...

Vị phó chủ tịch huyện này cho biết, đó là những diện tích thuộc đất trống đồi trọc nằm trong đề án trồng rừng sản xuất thuộc chương trình trồng rừng nguyên liệu tại huyện Quỳ Châu năm 2017 và 2018. Ông Lý cho rằng diện tích đang thực hiện là đất trống, đồi trọc. Còn chuyện ông H đứng ra trồng keo quy mô lớn tại các khu vực mà người dân tố cáo là do ông H có liên kết đầu tư với các hộ dân chứ không phải diện tích đó giao cho ông H thực hiện dự án.

PV cung cấp cho ông Lý hai Quyết định (được Hạt Kiểm Lâm huyện Quỳ Châu cung cấp), theo đó, tại Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 31-5-2017 về việc phê duyệt thiết kế dự toán trồng rừng nguyên liệu đợt 1 năm 2017 trên địa bàn huyện Quỳ Châu, nội dung này thực hiện với tổng diện tích 572,11 ha trải rộng trên 8 xã: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Nga, Châu Phong, Châu Hoàn và Diễn Lãm. Là rừng sản xuất với trạng thái là đất trống trảng cỏ và đất trống có cây tái sing mục đích dưới 1000 cây/ha.

Kỳ 3:  Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng
Giữa đại ngàn Quỳ Châu "máu rừng" vẫn đổ xuống

Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 7-5-2018 về nội dung phê duyệt thiết kế, dự toán trồng rừng nguyên liệu năm 2017-2018, thực hiện trên địa bàn 7 xã gồm: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Nga, Châu Phong và Diễn Lãm. Diện tích trồng là 361,42 ha, là rừng sản xuất giao cho các hộ dân theo Nghị định 163, trạng thái đất trống trảng cỏ và đất trống có cây tái sinh mục đích dưới 1000 cây/ha.

Khi PV cung cấp một số hình ảnh cây gỗ bị chặt, cắt khúc nhan nhản tại địa phận rừng tại xã Châu Phong, ông Lý cho rằng, sẽ kiểm tra lại, vì qua ảnh không định vị được địa điểm thực địa cụ thể. Thế nhưng nhìn vào ảnh có thể thấy rằng, sẽ có việc chặt phá ra ngoài diện tích được phê duyệt là điều khó tránh khỏi. Ông Lý nói, sẽ cho kiểm tra và sẽ có thông tin chi tiết lại sau.

Kỳ 3:  Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng
Đề án trồng cây nguyên liệu đang "nuốt rừng" ?

Về câu chuyện có hay không việc rừng đang bị đốt, chặt phá thay vào đó là một công trường trồng keo quy mô lớn trong vùng lõi sâu rừng Châu Phong, ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho rằng, diện tích đang xẻ đốt, trồng keo đó nằm trong hai đề án đã được huyện phê duyệt, là đất trống trọc có gần 1000 héc ta. Ông Đình cho biết thêm, sau khi các hộ dân xã Châu Phong có đơn tố cáo, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có về xác minh, đồng thời ông Đình cung cấp cho PV nội dung hai quết định như đã nêu ở trên.

Đất trống, đồi trọc, có thể trong toàn bộ diện tích phê duyệt sẽ có những khoảnh rừng nay đã nghèo kiệt, nhưng những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua chuyến đi cho thấy vẫn còn đó những mảnh rừng nguyên sơ, cây cối um tùm nhưng đã bị cắt, hạ, đốt thành than, vứt chỏng chơ... trông mà xót xa vô cùng. Việc quản lý thực hiện dự án đã chặt chẽ hay chưa khi mà chúng tôi vẫn ghi nhận được những thân gỗ lớn, tuổi đời hàng chục năm giữa rừng đại ngàn huyện Quỳ Châu vẫn bị chặt hạ, cưa xẻ rồi mang ra khỏi rừng...?

Một cuộc “ đại giải phẫu”?

Thời gian qua, chuyện rừng bị bức tử tại địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Quỳ Châu nói riêng không hề mới mẻ, lạ lẫm. Đã có rất nhiều vụ xâm phạm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị xử lý trách nhiệm hình sự bao gồm cả lâm tặc cũng như người được giao, quản lý rừng. Chuyện rừng ở Quỳ Châu lâu nay vẫn khiến dư luận không khỏi lắng lại vì vẫn còn xảy ra những vụ phá rừng, trồng keo. Và điều đó khiến thực tế diện tích rừng tự nhiên đã và đang đứng trước những nguy cơ lớn về việc bị xâm hại nghiêm trọng.

Trong chuyến đi thực tế, với những gì chúng tôi ghi nhận được, hiện trạng rừng đang ngày đêm bị xẻ, phát, đốt thay thế cho việc trồng keo nguyên liệu tại xã Châu Phong là hết sức lớn, nhiều diện tích. Điều đáng nói, việc trồng rừng này nằm xen kẽ với các khoảnh rừng nguyên sinh vẫn còn đứng sừng sững, một số khoảnh cây cối nguyên sinh khá dày nhưng đã bị đốt cháy, đứng trơ trọi chỉ chờ ngày bị chặt hạ, xóa sổ.

Quay trở lại đơn thư tố cáo của người dân Bản Lìm, xã Châu Phong. Xuất phát từ việc các hộ dân nhận thấy mình bị mất quyền lợi trên mảnh rừng đã được giao từ những năm 1997, bất ngờ bị một người tên H cho sẻ phát, đốt và trồng keo. Và khi cho rằng rừng giao quản lý, sản xuất bị xâm phạm, các hộ đã làm đơn thư gửi cơ quan chức năng.

Vừa trình bày về những bức xúc của mình, ông Phong vừa đưa ra các căn cứ gồm một biên bản giao nhận đất lâm nghiệp thực địa năm 1997 ghi rõ gia đình ông Phong được giao hơn 53 ha, trong đó rừng tự nhiên có hơn 16 ha và đất để trồng rừng, trồng cây lâu năm là hơn 36 ha tại các lô 1,2, 6 khoảnh 76, tiểu khu 195 với quyết định được giao thời hạn 50 năm. Và nội dung tại bản danh sách ghi tạm giao năm 2003 tại Khe Tà Pé, với diện tích 521.636 ha là rừng phòng hộ xung yếu.

Kỳ 3:  Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng
Từ những những quyết định này cho thấy những khoảnh rừng vốn tự nhiên, trải qua một thời gian nay đã đi vào đề án với nội dung đất trống chưa có rừng, đất trống trảng cỏ, đất có cây hồi sinh.

Còn ông Lữ Văn Quanh được giao 24,8 ha, tại các lô 1,8,11 tại khoảnh 10, tiểu khu 203, biên bản giao thực địa và quyết định giao là năm 1997. Trong 24,8 ha thì có 21 ha là đất rừng tự nhiên và hơn 3 ha là đất trống để trồng rừng và trồng cây lâu năm.

Tương tự, tại quyết định và danh sách tạm giao năm 2003 thì có tên các hộ đứng đơn tố cáo. Thực tế theo trình bày thì các hộ này đều cho rằng đất rừng tạm giao này không còn được sử dụng, mà ông H đã chiếm dụng, chặt phá và trồng keo?!.

Trong câu chuyện tố cáo này, chúng tôi cho rằng, UBND huyện Quỳ Châu sẽ xem xét lại toàn bộ quá trình thu hồi, giao đất rừng cho các hộ dân để làm rõ liệu các hộ dân có đơn tố cáo còn rừng được giao với những giấy tờ đã trình bày ở trên liệu còn có giá trị pháp lý?

Cần trả lời rõ vì sao ông H lại bị tố cáo chặt phát, đốt trồng keo trên diện tích rừng mà các hộ dân có quyết định giao, tạm giao từ những năm 1997 và 2003 và vì sao ông H lại đứng ra trồng rừng với quy mô lớn như vậy?

Cũng qua cuộc trào đổi với Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quỳ Châu, chúng tôi được ông Đình cho biết, hiện vẫn còn có khoảng 5.000ha tại địa bàn các xã trong huyện thuộc rừng đất trống, trạng thái đất trống trảng cỏ và đất trống có cây tái sinh mục đích dưới 1000 cây/ha sẽ tiếp tục được đưa vào đề án trồng mới từ nay đến năm 2025 và từ 2025 đên năm 2030.

Ông Đình cũng khẳng định, trong những năm qua Kiểm lâm huyện này đã rất quyết liệt và xử lý rất nhiều vụ phá rừng tại địa bàn.Nhưng mỗi năm vẫn có hàng chục vụ phá rừng bị xử lý, như thế đồng nghĩa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nơi đây cần được xem xét, chấn chỉnh lại một cách nghiêm túc.

Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể khi để liên tiếp những vụ phá rừng tái diễn, và cần phải trả lời dứt khoát cho câu hỏi: Đến bao giờ rừng Quỳ Châu thôi không còn bị xâm hại nữa?

Kỳ 3:  Cần cuộc “giải phẫu” với những giải pháp căn cơ để giữ rừng
Cần bảo vệ, tái sinh vững chắc những mảnh rừng nơi đại ngàn Quỳ Châu như thế này

hy vọng rằng, tỉnh Nghệ An sẽ sớm có một cuộc “đại giải phẫu” cụ thể, chi tiết, làm rõ những nội dung tố cáo của người dân xã Châu Phong, đồng thời cần làm rõ tổng diện tích rừng từ 2017 đến nay đã đưa vào đề án trồng cây nguyên liệu, cần có sự xem xét thấu đạo, thẩm định chắc chắn, khoa học về việc liệu rằng có nên xóa sổ những thảm thực vật, những đồi rừng nguyên sơ, nguyên sinh ấy để tiếp tục cho dự án trồng cây nguyên liệu mà huyện Quỳ Châu đã có quyết định phê duyệt, thực hiện?

Đo đếm cụ thể, chính xác và làm rõ có bao nhiêu diện tích không nằm trong đề án này nhưng cũng bị chặt hạ, đốt phá và đưa vào trồng keo. Từ đó cần có những biện pháp căn cơ, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc các trường hợp nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không quản lý chặt chẽ dẫn tới việc rừng bị hủy hoại trái phép.

Mong chính quyền tỉnh Nghệ An sẽ có những động thái cứng rắn, cụ thể trong vấn đề đóng cửa rừng như Chính phủ đã từng chỉ đạo quyết liệt. Mỗi năm Nghệ An đón nhận nhiều đợt bão lũ, trong đó có lũ ống, lũ quét xảy ra tại miền núi hết sức nguy hiểm, phức tạp, đó là một trong những hệ quả của việc rừng nguyên sinh, thảm thực vật rừng bị xâm phạm, chặt phá. Nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt thì chẳng bao lâu nữa những mảnh rừng nguyên sinh, nguyên sơ sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Quỳ Châu là huyện có diện tích rừng lớn ở Nghệ An, chiếm gần 60% diện tích đất tự nhiên, đứng thứ tư sau Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong. Rừng Quỳ Châu mang đặc tính của rừng nhiệt đới, được phân bổ trên triền dốc lớn, núi cao với nhiều loại gỗ quý như: lim, lát hoa, hoàn linh, săng lẻ,... và nhiều loại cây dược liệu hoài sơn, thiên niên kiện, sa nhân. Trong đó phải kể đến cây quế, được xem như đặc sản của huyện.

Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Quỳ Châu có khoảng 58.120 nhân khẩu, là huyện có số dân thấp nhất Nghệ An, dân cư sống tập trung tại các xã thấp, ven sông suối.

Kỳ 2: Vì sao có cuộc Kỳ 2: Vì sao có cuộc "đại sát" cây cối trong lòng rừng thăm thẳm?
Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng Kỳ 1: Từ lá đơn kêu cứu thay... rừng
Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động