Thứ sáu 24/01/2025 02:04
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tân sinh viên mới nhập học

Kỳ 3: Không ít vụ án hình sự có sự tham gia của sinh viên làm thêm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Giảng viên Luật Hình sự, Khoa Luật và Lý luận Chính trị, ĐH Thuỷ Lợi cho biết, nhiều trường hợp sinh viên bị lừa gạt để tham gia tiếp tay giúp sức cho các đường dây đánh bạc, lừa đảo qua mạng rồi đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bị xem xét xử lý hình sự bởi vai trò đồng phạm giúp sức.
Kỳ 3: Không ít vụ án hình sự có sự tham gia của sinh viên làm thêm
Sinh viên cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo, đặc biệt là việc làm thêm

Muốn rút tiền ra phải “rót” tiền vào

Em N.T. - sinh viên của một trường ĐH tại Hà Nội chia sẻ, bản thân đã bị kẻ xấu "quay vòng" lừa đảo. Số tiền em bị mất lên đến hàng chục triệu đồng. T. kể lại, em nhận được thông tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử. Phía tuyển dụng cho biết, với mỗi lần mua hàng sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền “hoa hồng” từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng. Để tạo lòng tin, phía tuyển dụng thực hiện đúng thỏa thuận với những đơn hàng có giá trị từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng.

Tuy nhiên, sau đó, khi T. muốn rút số tiền của mình về tài khoản, phía tuyển dụng bảo rằng cần phải thực hiện thêm những đơn hàng khác để có thêm tiền thưởng mới rút được. T. tin và làm theo, đến khi nộp 20 triệu đồng vẫn không thấy rút được tiền, còn bị yêu cầu mua thêm, nếu không sẽ không lấy được số tiền đã nạp cũng như tiền hoa hồng. Khi nam sinh này khẩn cầu phía tuyển dụng cho rút tiền về vì bản thân không còn khả năng nạp tiền thêm được nữa liền bị người hướng dẫn chặn liên lạc.

Em N.H.D. - sinh viên một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cho biết hồi năm nhất đã bị lừa đảo mất 12 triệu đồng vì “việc nhẹ lương cao". Theo D., mọi thứ ban đầu diễn ra khá suôn sẻ, bản thân rút được tiền về nên càng tin tưởng vào kẻ xấu, thực hiện những nhiệm vụ được giao. Khi số tiền nạp vào khá lớn thì D. càng lo lắng rằng nếu không nạp đúng như chỉ dẫn sẽ mất trắng số tiền đã nạp. Nếu hoàn thành, tiền hoa hồng sẽ thu về nhiều. Thế là D. đi mượn thêm bạn bè nạp tiền, đến khi số tiền lên đến 12 triệu đồng mà tiền vẫn không thể nhận về thì D. mới biết mình bị lừa. Tuy nhiên, lúc này sự việc đã quá muộn.

Tương tự D, khi là sinh viên năm thứ nhất đại học, em N.H.N., sinh viên một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh có làm thêm công việc cộng tác viên chốt đơn trên 1 sàn thương mại. Phía tuyển dụng yêu cầu N. truy cập vào một đường link, nhập thông tin tại đó để làm việc.

Khi truy cập vào link này thì N. nhìn thấy hình ảnh sàn thương mại điện tử và bắt đầu đăng ký tài khoản kèm mã giới thiệu. Ban đầu, trong tài khoản có 30.000 đồng nhưng sẽ bị trừ đi sau mỗi lần chốt đơn. Càng muốn chốt được nhiều đơn thì N. càng phải “rót” nhiều tiền vào tài khoản. Rất may là N. từng nghe nhiều câu chuyện bị lừa tương tự nên đã cảnh giác không mắc bẫy.

“Bắt mạch” lừa đảo

Rất nhiều sinh viên hiện nay có nhu cầu đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, cũng như mong muốn có thêm kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, không ít người lại trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Các tổ chức hoặc cá nhân lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của sinh viên để trục lợi về mặt tiền bạc hoặc giữ các giấy tờ cá nhân. Phía tuyển dụng thường tác động vào sự cả tin của sinh viên, giới thiệu việc nhẹ, lương cao, thời gian linh động, không cần kinh nghiệm.

Đặc biệt, tân sinh viên thường là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo nhắm đến là vì chưa quen với môi trường mới và thiếu kinh nghiệm. Một số chiêu trò lừa đảo thường được các đối tượng thực hiện như giả mạo người quen, bạn bè trên mạng để vay tiền, lừa mua hàng qua mạng, lừa đảo liên quan đến làm thêm nhưng đóng phí trước, yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân, lừa thuê nhà,…

Các sinh viên thường chọn hình thức kinh doanh online vì có thể làm việc tại nhà. Đây là một trong những loại hình nhiều tính rủi ro bởi các giao dịch được thực hiện qua hình thức chuyển khoản và thanh toán trực tuyến trên mạng xã hội, đồng nghĩa không biết điểm nhận và nguồn gốc tiền mà sinh viên nhận là như thế nào.

Cũng có nhiều sinh viên vì những lý do khác nhau muốn vay tiền thì các trung tâm tín dụng sẽ lợi dụng việc này để cho vay. Đây là loại hình cho vay tín dụng đen với lãi suất rất cao mà nhiều bạn trẻ đã dính vào, đến khi khó lòng thanh toán số tiền dẫn đến việc nợ nần chồng chất, bị phía cho vay đòi nợ, đe dọa,…

Ngoài ra, nhiều sinh viên nhận được thông báo tin nhắn trúng thưởng qua điện thoại, ứng dụng xã hội. Để nhận được quà, các bạn trẻ phải làm theo những yêu cầu của tin nhắn. Tuy nhiên, quà cũng không được nhận, còn mất thêm tiền đã nạp.

Ông Vũ Quang Thành - một chuyên gia về lĩnh vực dịch vụ việc làm tại Hà Nội cho biết, có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm hướng đến sinh viên, nhất là các tân sinh viên mới nhập học còn rất nhiều bỡ ngỡ. Hình thức phổ biến là lừa sinh viên vào các mạng lưới bán hàng hưởng hoa hồng cao, làm thêm lương cao,… nhưng phải đóng phí. Đáng chú ý là hình thức bán hàng online, thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng khiến nhiều sinh viên bị chiếm đoạt tiền, thậm chí bị đe dọa, gây tổn thất về cả tinh thần, vật chất.

Nhiều vụ án hình sự có sinh viên là thủ phạm

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, sinh viên làm thêm không phải là chuyện mới, vì nhiều lý do khác nhau như để có thêm thu nhập trang trải khó khăn cuộc sống, đỡ đần cha mẹ hoặc để có cơ hội tiếp cận với thực tiễn, rèn luyện bản thân, trao dồi kinh nghiệm,... Cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường vì thế cũng tốt hơn. Tuy nhiên mặt trái của việc làm thêm cũng không ít, đặc biệt là khi các em có nguy cơ bị lừa đảo, lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động.

"Nguy cơ đầu tiên dễ xảy ra nhất là bị lừa đảo mất tiền với những lời mời chào việc nhẹ lương cao, nộp tiền đặt cọc để giao các nhiệm vụ rồi bị báo là sai, nộp tiếp tiền vào để được nhận lại số tiền đã nộp cho đến khi không còn khả năng nộp thêm thì mới biết mình bị lừa”, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, khi đã bị lừa đảo trên mạng internet thì gần như không còn cơ hội lấy lại tiền, chỉ còn lựa chọn duy nhất là trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Nếu cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ được nhóm đối tượng lừa đảo thì mới có hy vọng lấy lại được tiền. Trong khi đó, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay rất nhiều, lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết. Các đối tượng lừa đảo đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc phát hiện, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp các em bị lừa gạt để tham gia tiếp tay giúp sức cho các đường dây đánh bạc, lừa đảo qua mạng rồi đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì lại bị xem xét xử lý hình sự bởi vai trò đồng phạm giúp sức. Các trường hợp lừa tuyển dụng việc làm thêm để đánh cắp thông tin cá nhân, sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích bất hợp pháp. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp làm việc nhưng không được trả tiền theo đúng thỏa thuận,…”.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường lấy dẫn chứng, thời gian qua không ít những vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tổ chức đánh bạc trái phép trên mạng internet có sự tham gia của sinh viên làm thêm. Các em lúc đầu không biết là hành vi phạm pháp, sau khi biết chỉ vì ham lợi nhuận nên không dừng lại, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì bản thân vướng vào vòng lao lý. Đây là câu chuyện rất đáng buồn và đáng trách cho những trường hợp như vậy.

Có những trường hợp sinh viên làm thêm làm nghề shipper rất đơn thuần. Tuy nhiên khi các đối tượng nhờ shipper loại ma túy mới như tobaco, cỏ mỹ,... thì cũng không đề phòng nên thực hiện hành vi vận chuyển, giúp sức cho việc mua bán nên cũng bị xử lý hình sự. Có sinh viên lên mạng mua hàng hóa về bán, trong đó có các loại hàng hóa cấm mà không biết để cuối cùng trở thành người vi phạm pháp luật.

Cũng có nhiều sinh viên đi làm thêm đóng gói ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rồi bị xử lý về tội sản xuất hàng giả. Lý do là nơi làm việc không phải là xưởng sản xuất hợp pháp, không có biển hiệu của công ty. Do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống nên các em dễ vướng vào vòng lao lý khi đi làm thêm.

Cũng theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, không ít trường hợp sinh viên làm thêm bị người sử dụng lao động, những người làm việc cùng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để lạm dụng tình dục, bóc lột tình dục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý sức khỏe và trở thành nạn nhân.

Kỳ 1: Lừa đảo Kỳ 1: Lừa đảo "ưu đãi" nhập học sớm, chuyển tiền vào tài khoản không phải của trường
Kỳ 2: Muôn kiểu chiêu trò lừa đảo làm thêm Kỳ 2: Muôn kiểu chiêu trò lừa đảo làm thêm
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động