Thứ sáu 24/01/2025 00:26
Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19:

Kỳ 4: Sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bài học trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua là có sự đoàn kết, đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đây là điều kiện tiên quyết, vô cùng quan trọng để người dân Thủ đô vẫn có cuộc sống yên bình, dù trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất.
Kỳ 4: Sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng
Thực hiện chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ" nên đã có nhiều lực lượng cùng tham gia hỗ trợ cho y tế quản lý F0 tại nhà.

Nhất quán thực hiện phương châm "4 tại chỗ"

Xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của TP Hà Nội về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chấp hành và thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao đều nhấn mạnh đến tinh thần ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt khi giao nhiệm vụ TP đều nêu rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng vậy, tại nhiều Hội nghị về công tác phòng, chống dịch Covid-19-đặc biệt là trong giai đoạn TP thực hiện thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ đều nhấn mạnh: Hà Nội tiếp tục ưu tiên làm thật tốt công tác phòng, chống dịch từ cơ sở. TP sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị xã, nhất là phường, xã, thị trấn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy tinh thần chủ động, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần chủ động, trước hết thực hiện đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND cùng cấp chịu trách nhiệm trước UBND TP về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Từ sự chỉ đạo đó, khi có chủ trương thực hiện chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo tinh thần "phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: Để thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, TP Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo các địa phương thực hiện phương án "4 tại chỗ", giao cho các địa phương, quận huyện thực hiện toàn diện các hoạt động phòng chống dịch bệnh-đặc biệt tập trung vào điều trị F0 tại nhà; phân tầng phân tuyến kịp thời để những trường hợp chuyển lên tuyến trên thì chuyển kịp thời ngay; còn những trường hợp điều trị tại nhà thì hướng dẫn điều trị tại gia đình.

Những cách này đã làm cho hệ thống y tế giảm sự quá tải, người có bệnh nặng đến đúng nơi, đúng chố nhanh nhất còn người bệnh triệu chứng nhẹ thì được hướng dẫn tại nhà kịp thời, tránh vết xe đổ như TP Hồ Chí Minh là tất cả F0 dồn hết lên đến bệnh viện. Chính vì vậy dù số F0 tại Hà Nội tăng cao, rất nhiều nhưng không bị hỗn độn, quá tải tuyến bệnh viện cuối cùng; tầng 2-3 không bị áp lực quá lớn như ở TP Hồ Chí Minh.

"Đơn cử như ở quận Nam Từ Liêm có 50 nghìn ca nhiễm thì hàng ngày quận đã phân tầng ngay, phân tuyến ngay từ cơ sở nên 99% bệnh nhân nhẹ được phân tầng ở nhà; chỉ có 1% là đối tượng bệnh nhân phải chuyển lên tầng 2-3 mới tập trung chuyển đi. Do vậy số ca tử vong thấp, từ đầu dịch đến ngày 18-3 chỉ có 29 ca tử vong do Covid-19 trên tổng số khoảng 70 nghìn ca nhiễm (chiếm 0,04%)", ông Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, theo ông Nguyễn Anh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành uỷ, UBND TP thì Trung tâm Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Căn cứ vào số ca mắc trên địa bàn, Trung tâm Y đã tham mưu cho Sở Y tế và UBND quận về các giải pháp chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch; Khi xuất hiện F0 thì Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xây dựng thu dung điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

"Với sự hỗ trợ của lực lượng đoàn thanh niên, các tổ khu phố đã triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế và thu được kết quả trong điều trị F0. Từ 1-1-2022 đến ngày 18-3 tổng số ca nhiễm trên địa bàn là 41.475 trường hợp, trong đó chủ yếu ở phân tầng 1-bệnh nhân thể nhẹ (chiếm 97,85%). Trung tâm Y tế quận cũng phối hợp Cấp cứu 115 và các bệnh viện trên địa bàn như BV Đa khoa Mê Linh, BV Thanh Nhàn đến khu thu dung tầng 2 và 3, giảm tối đa tỉ lệ tử vong"- ông Nguyễn Anh Quang nói.

Kỳ 4: Sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng
Với sự tham gia của các Tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà, Hà Nội luôn đã giữ vững tình hình từ cơ sở.

Hơn 4.600 Tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà hoạt động hiệu quả

Mặc dù lực lượng y tế có vai trò nòng cốt, chủ lực nhưng theo chủ trương của UBND TP thì các trạm y tế lưu động, các tổ Covid cộng đồng cũng có vai trò lớn trong việc hỗ trợ lên danh sách, xét nghiệm cho F0 tại nhà giúp giảm tải cho nhân viên y tế. Đồng thời, các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ... tại các địa bàn cũng tích cực tham gia phòng chống dịch. Điều này đã giúp Hà Nội kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Thời gian qua, TP đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người nhiễm Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân...

Nhờ đó, Hà Nội luôn giữ vững tình hình từ cơ sở. Số ca nhiễm trong 2 tuần qua có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt tỷ lệ ca tăng nặng, người tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, hạn chế rủi ro sức khỏe cho người dân.

Chia sẻ về hoạt động của các tổ hỗ trợ F0 tại nhà trên địa bàn, ông Lê Văn Chư, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết: các ca F0 được hỗ trợ bởi tổ 5-7 người trong đó có cả một số nhà thuốc, bệnh viện tư nhân vào chăm sóc bệnh nhân. Các ca dương tính ở tổ nào thì add vào Zalo và được bác sỹ tư vấn khi có nhu cầu.

"Các tổ ban đầu hoạt động có bỡ ngỡ nhưng sau đó đã quen việc. Hàng ngày hỏi thăm sức khỏe F0. Khi F0 có dấu hiệu xổ mũi, ho, sốt... thì tư vấn, đăng ký cấp phát thuốc tại nhà. F0 trên địa bàn được phân theo tình trạng sức khoẻ, độ tuổi theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Các đội thời gian hoạt động, hỗ trợ nhiệt tình", ông Lê Văn Chư nói.

Đối với Tổ hỗ trợ F0 tại địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai thì công việc của họ là tiếp nhận cuộc gọi của F0 24/24g; hỗ trợ nhập dữ liệu F0 và tình trạng của F0; chở ô xy đến nhà F0, cấp phát thuốc cho F0.

Anh Dương Đỗ Trí, Phó Bí thư đoàn Thanh niên phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết, tổ hỗ trợ F0 trên địa bàn là sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn phường hoặc giáo viên mầm non. Khi bên y tế thông báo sang trạm ô xy thì tổ hỗ trợ đã cùng với y tế vận chuyển bình ô xy đến nhà bệnh nhân để lắp, theo dõi. Sau đó để lại số điện thoại để người nhà bệnh nhân liên hệ khi cần hỗ trợ.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Phút trải lòng của những "chiến sỹ áo trắng"
Kỳ 2: Hệ thống y tế luôn duy trì tốt vai trò nòng cốt
Kỳ 1: Thận trọng trong từng quyết sách để luôn chủ động kiểm soát dịch
Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động