Thứ năm 23/01/2025 20:09
Rủi ro và những bất cập trong lĩnh vực công chứng:

Kỳ cuối: Cần sửa đổi các vướng mắc, bất cập để nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Công chứng được đánh giá đã thật sự đi vào cuộc sống. Song, bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động công chứng cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh kịp thời để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này ngày càng phát triển.
Hội Công chứng TP Hà Nội tổ chức tập huấn định kỳ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng
Hội Công chứng TP Hà Nội tổ chức tập huấn định kỳ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng

Hướng tới sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014

Sau gần chục năm có hiệu lực thi hành, Luật Công chứng năm 2014 đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập cần được khắc phục.

Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc cơ bản trong hoạt động công chứng hiện nay như: Đội ngũ CCV tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa bảo đảm yêu cầu phân bổ hợp lý, hoạt động ổn định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động hành nghề của CCV;

Chất lượng hoạt động công cứng ở một số địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Hoạt động của một bộ phận CCV và TCHNCC chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục công chứng, đạo đức hành nghề công chứng, không ít trường hợp đã xảy ra hiện tượng chạy theo lợi nhuận hoặc cạnh tranh không lành mạnh; việc phân định chức năng nhiệm vụ giữa công chứng và chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động;

Hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số; phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng; công tác quản lý nhà nước, tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp còn hạn chế.

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá là rất cần thiết.

Cũng vì những vướng mắc trên, mới đây, Bộ Tư pháp dự kiến đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội cho ý kiến với dự án luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đáng chú ý, Luật Công chứng (sửa đổi), dự kiến bổ sung 44 điều, bổ sung mới 3 điều trên tổng số 84 điều, tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn. Cụ thể là: Xác định rõ hơn khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; Phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại những vùng, địa bàn khó khăn…

Một trong những sửa đổi quan trọng được Dự thảo Luật hướng tới là bổ sung quy định loại hình Văn phòng công chứng theo loại hình DN tư nhân, mở rộng cơ hội lựa chọn và thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng.

Đồng thời, quy định thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của Văn phòng công chứng bảo đảm chặt chẽ, sát sao để Văn phòng công chứng thực sự là của công chứng viên, kiên quyết loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của Văn phòng công chứng.

Để nâng tầm chất lượng hoạt động công chứng

Dưới góc nhìn của một công chứng viên, ông Tuấn Đạo Thanh, Hội Công chứng viên TP Hà Nội cho biết, các phòng công chứng và văn phòng công chứng đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cá nhân, DN khi thực hiện các hợp đồng giao dịch, chứng thực. Để hoạt động công chứng thực sự trở thành công cụ bảo vệ tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, DN thì Sở Tư pháp cần tập trung thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động công chứng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, các ngành liên quan, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn khi tham gia thực hiện các giao dịch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Ông Tuấn Đạo Thanh cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn TP Hà Nội, trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, chúng ta cần phải triển khai quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp như:

Đối với cá nhân CCV: Căn cứ theo quy định của pháp luật cũng như tham chiếu dưới góc độ thực tế, CCV chính là chủ thể trực tiếp cũng như quan trọng bậc nhất trong hoạt động công chứng. Trình độ chuyên môn và kèm theo đó là đạo đức hành nghề của cá nhân mỗi CCV sẽ là điều kiện tiên quyết quyết định đến chất lượng dịch vụ công chứng. Chính vì vậy, mỗi CCV cần phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc cập nhật liên tục nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực công chứng; thường xuyên trau dôi bản lĩnh nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm túc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm theo quy định.

Đối với các tổ chức hành nghề công chứng: Có thể khẳng định rằng, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của công chứng viên không thể tách rời, thoát ly ra khỏi hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, từng tổ chức hành nghề công chứng nói chung cũng như cá nhân công chứng viên đóng vai trò Trưởng phòng/Trưởng văn phòng công chứng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của từng cá nhân công chứng viên đang hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng do mình phụ trách.

Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để từng bước triển khai “số hóa” một số công đoạn liên quan đến thủ tục, trình tự công chứng theo quy định của pháp luật nhằm tiết giảm thời gian, chi phí cho người yêu cầu công chứng; Đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận có liên quan mật thiết đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng…để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, góp phần giảm thiểu các sai phạm không đáng có trong hoạt động công chứng.

Thường xuyên nắm bắt, phản ánh các hành vi tiêu cực, thiếu chuẩn mực trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.

“Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 cho đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Công chứng viên TP Hà Nội đã dần được hoàn thiện và đi vào nền nếp. Trong thời gian tới, Hội Công chứng viên TP Hà Nội cần phải tích cực triển khai, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 26, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng cũng như các văn bản khác có liên quan”, ông Tuấn Đạo Thanh, Hội Công chứng viên TP Hà Nội cho biết.
Kỳ 1: Công chứng viên là người gác cổng để đảm bảo quyền lợi các bên
Kỳ 2: Lỗ hổng trong Luật, hậu quả nhãn tiền
Kỳ 3: Ngăn giấy tờ giả “lọt” “cửa” công chứng?
Kỳ 4: Giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản
Kỳ 5: Công chứng trong giao dịch bất động sản giúp phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động