Thứ năm 23/01/2025 23:58
Cả nước chung tay với cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19

Kỳ cuối: Hàng loạt hành động thiết thực hướng đến người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong thời gian giãn cách, Hà Nội vẫn đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm đầy đủ cho người dân, tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng toàn TP, khẩn trương hỗ trợ cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và gói an sinh xã hội tới tay các lao động tự do mất việc…
Kỳ 2: Hà Nội đang chống dịch trong tâm thế bĩnh tĩnh và chủ động Kỳ 2: Hà Nội đang chống dịch trong tâm thế bĩnh tĩnh và chủ động
Kỳ 1: Người dân bỏ đi đâu khi những chiến sĩ áo trắng đang đi vào tâm dịch? Kỳ 1: Người dân bỏ đi đâu khi những chiến sĩ áo trắng đang đi vào tâm dịch?

Lập vùng xanh, đỏ, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm

Phấn đấu kiểm soát tốt hơn dịch bệnh Covid-19 trước ngày 25-8, TP Hà Nội lập kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng. Từ ngày 9-8 – 17-8, TP tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR cho toàn bộ người dân trong "vùng đỏ" là khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao như: chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác (đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ).

TP cũng khoanh vùng xét nghiệm cho "nhóm da cam" bao gồm các đối tượng là: nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà... Còn nhóm phân loại "vùng xanh" được áp dụng theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất.

Việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt... qua khai báo y tế vẫn được thực hiện thường xuyên theo quy định của thành phố.

Tính đến sáng 12-8, toàn TP đã lấy được 191.633 mẫu để sàng lọc Covid-19 cho người có nguy cơ và người sống tại khu vực có nguy cơ. Trong số đó có 8 mẫu dương tính trên tổng số 72.959 mẫu có kết quả.

Hà Nội đang tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan ra cộng đồng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, khả năng tiếp nhận tối đa của TP trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vaccine theo quy cách đóng gói của vaccine AstraZeneca. Đến nay, tổng số vaccine Hà Nội đã được phân bổ là 959.820 liều. Ở đợt 6, đợt 7 TP tiếp nhận 626.320 liều, kết quả đã tiêm được 66.0149 liều (105%). Cộng dồn các đợt tiêm đến nay đã tiêm là 871.555 mũi cho 812.100 người.

Về giải pháp lâu dài, mang tính quyết định để đẩy lùi dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo: TP đẩy nhanh việc xây dựng các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn với tổng số 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm.

Trước mắt, mục tiêu của TP là xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi/ngày. Hà Nội sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.

Những con phố ngày thường đông đúc, nay vắng lặng, Hà Nội đang tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo giãn cách của Chính phủ và TP   ẢNH: Khánh Huy
Những con phố ngày thường đông đúc, nay vắng lặng, Hà Nội đang tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo giãn cách của Chính phủ và TP (Ảnh: Khánh Huy)

Đảm bảo nguồn cung lương thực, chăm lo người gặp khó khăn

TP Hà Nội đang bước sang đợt giãn cách thứ hai, tuy nhiên cho đến thời điểm này nguồn cung cấp lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân vẫn ổn định. Theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, từ kinh nghiệm các lần giãn cách trước, TP đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân, vì vậy TP cam kết có đủ hàng hóa cần thiết trong thời gian tới, không cần dự trữ.

Toàn TP hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa… Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Cùng với các lao động tự do phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất không ít lao động gặp khó khăn. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP, lúc cao điểm đã có khoảng 1.000 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 48.000 người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, nghỉ luân phiên.

Những sáng kiến hướng về người lao động như: “Tổ An toàn Covid-19” , “Xe buýt siêu thị 0 đồng” đã ra đời kịp thời, từ đó hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn với số tiền trên 28 tỷ đồng hỗ trợ người lao động; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin cho công nhân… Đồng thời, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền trên 78 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Những ngày này, đời sống của các lao động tư do bị mất việc làm cũng được TP quan tâm thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội. Trước dịch, gia đình anh Hoàng Thế Anh (tổ dân phố 13, phường Kiến Hưng) sinh sống bằng nghề bán hàng ăn.

Từ giữa tháng 5 đến nay, do cửa hàng nằm trong vùng phong tỏa nên gia đình anh không thể buôn bán, cuộc sống ngày một khó khăn. Sau khi được UBND phường Kiến Hưng hướng dẫn làm đơn tới UBND quận, anh đã nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Những ngày nghỉ chống dịch này, đây quả là số tiền ý nghĩ giúp gia đình anh thêm động lực vượt qua khó khăn.

Không chỉ tại quận Hà Đông mà tại tất cả các địa bàn khác của Hà Nội gói hỗ trợ an sinh xã hội cũng đang được các cấp chính quyền đưa tới tay các đối tượng được thụ hưởng.

Cho tới thời điểm này, toàn TP có hơn 1,47 triệu người lao động được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 55 tỉ đồng. Song song với việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ, UBND TP Hà Nội cũng đã quyết định hỗ trợ cho 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động với 3.180 phần quà là nhu yếu phẩm trị giá 3.180 tỉ đồng.

Hà Nội những ngày này đang chứng minh là một chính quyền đô thị vì người dân, vừa đẩy cao quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo được an ninh trật tự xã hội, có nhiều biện pháp thiết thực chăm lo đến đời sống, sức khỏe người dân.

Đúng như những gì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động, vì vậy những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay. Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở TP.HCM và một số tỉnh nhưng cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động”.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động