Ký ức hào hùng về ngày tiếp quản Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại tá Nguyễn Thụ chia sẻ những câu chuyện xúc động của người chiến sĩ Điện Biên trên đường về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Mộc Miên |
Câu chuyện đặc biệt ngày trở về
Theo lời kể của đại tá Nguyễn Thụ (SN 1933, quê Bắc Ninh), sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại đoàn 308 về tập trung liên hoan mừng chiến thắng tại Trại Cờ - nay thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để nhận nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Một không khí mới lạ hoàn toàn khi quân và dân được sống trong khí thế của những ngày hòa bình trở lại.
Hàng vạn cán bộ chiến sĩ của Đại đoàn 308 tập trung vùng Trại Cờ. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng, cũng là để gặp lại người thân.
“Trong ngày mừng công, mỗi chiến sĩ chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ai cũng nâng niu và cài trên ngực áo bên trái, bên cạnh trái tim mình. Đó là niềm vinh dự và vô cùng tự hào như kỷ vật vô giá, gìn giữ suốt cuộc đời mình và sẽ giữ thành vật kỷ niệm cho con cháu mai sau” - đại tá Nguyễn Thụ nhớ lại.
Sau đêm hát văn nghệ vang vọng khắp núi đồi cùng khí thế chiến thắng, đại tá Nguyễn Thụ chứng kiến những câu chuyện vừa vui, vừa buồn. Đó là giây phút đại tá Nguyễn Thụ được gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách nhưng niềm vui chẳng tày gang bởi sau ít phút đã nhận được tin anh họ của ông Nguyễn Thụ vừa hi sinh. Đó là hình ảnh đoàn tụ của một người phụ nữ trên đầu vẫn đeo khăn tang vì trước đó nhận tin chồng đã hi sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng rồi chị đã bất ngờ gặp lại chồng trong đoàn quân trở về. Cuộc gặp gỡ sau 9 năm kháng chiến có nhiều câu chuyện vui, buồn, bởi chiến tranh ác liệt, những bức thư không thể gửi cho nhau.
Đối với đại tá Nguyễn Thụ, hòa bình trở lại, những người còn sống trở về với quê hương thì còn sung sướng nào bằng. Họ tự hào về chiến công 9 năm chống giặc Pháp xâm lược. Những gia đình có người thân đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, họ được trao bằng “Tổ quốc ghi công”. Sự hi sinh ấy để có mầm sống, nảy lộc đâm chồi hôm nay để cho cả đất nước này có hòa bình và hạnh phúc.
Sau ngày hội ngộ cùng Nhân dân ở Bắc Giang, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân trên đường về tiếp quản Hà Nội. Ngày 19/9, Đại đoàn đến Phú Thọ, tại đền Hùng, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe Bác dặn dò những điều quan trọng khi tiếp quản Thủ đô.
Đại tá Nguyễn Thụ kể: "Tôi nhớ mãi hai câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là vô cùng quan trọng, vinh dự và có ý nghĩa chính trị to lớn. Người căn dặn chúng tôi phải luôn cảnh giác, giữ vững bản lĩnh, tinh thần cách mạng và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới”.
Rừng cờ, hoa của Nhân dân Hà Nội chào đón đoàn quân chiến thắng trở về được tái hiện trong chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy |
Rừng cờ, hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về
Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hà Nội như được hồi sinh. Cánh quân của đơn vị đại tá Nguyễn Thụ là Tiểu đoàn 54 – Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) được lệnh tiếp quản Thủ đô theo hướng từ Cầu Giấy đi vào. Trên đường tiến về cửa ô Cầu Giấy, hiện ra trước mặt đại tá Nguyễn Thụ là một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là "Hồ Chí Minh muôn năm".
Nhân dân suốt dọc đường đông như trảy hội, từ già trẻ tưng bừng đổ ra đường hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng. Chính họ là những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu hi sinh 60 ngày đêm để bảo vệ Hà Nội. Họ là các chiến sĩ đã lập công trên chiến trường Điện Biên Phủ, nay đã trở về với mảnh đất thân thương.
Đại tá Nguyễn Thụ cho biết, đơn vị tạm dừng chân một đêm tại ngã tư Nhổn, rất đông Nhân dân Thủ đô ra tận Nhổn để đón chào anh Bộ đội Cụ Hồ. Tay bắt mặt mừng đã 9 năm xa cách, bây giờ mới gặp lại nhau. Cờ hoa tưng bừng rộn rã, mãi đến tận đêm khuya Nhân dân mới về nội thành.
Đơn vị chúng tôi tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng – Bộ Tổng tham mưu – chợ Đồng Xuân – cầu Long Biên và nhiều nơi khác. Trung đoàn Thủ đô đã nghiêm chỉnh thực hiện mọi điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn nghiêm kỷ luật và làm được nhiều việc tốt được Nhân dân Thủ đô yêu mến.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, đại tá Nguyễn Thụ được phân công làm giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 tại Sơn Tây. Năm 1959, ông được bổ nhiệm Trưởng khoa của 1 khoa giáo viên tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 43 năm công tác trong quân đội, ông Thụ được tặng thưởng 8 huân chương (1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều huân chương khác cao quý khác).
70 năm qua, những người lính năm xưa như đại tá Nguyễn Thụ vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. Nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, đời sống ngày một ấm no.
“Có được niềm vui ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Tổng tư lệnh tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam và hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc, làm nên một Hà Nội anh hùng, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” – đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Thụ năm nay đã 91 tuổi nhưng sức khỏe, trí tuệ còn khá minh mẫn. Ông có nhiều năm giữ Bí thư Chi bộ phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau về hưu, đại tá Nguyễn Thu tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chi bộ, Tổ dân phố vững mạnh.
Thời gian này, đại tá Nguyễn Thụ vẫn dành thời gian sáng tác văn học, viết báo, viết tác phẩm về người lính, chiến tranh để bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, nhắc nhở về “một thời hoa lửa” hào hùng của quân và dân ta.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại