Lan toả thông điệp về môi trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênWebsite Chung tay giảm chất thải nhựa là nơi trình chiếu những bức ảnh về môi trường. |
Chiến dịch truyền thông trực tuyến “Chung tay giảm chất thải nhựa” là một chuỗi hoạt động truyền thông do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) chủ trì thực hiện trong khuôn khổ Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án Plastic Alliance).
Website Chung tay giảm chất thải nhựa được xây dựng nhằm mục đích chia sẻ và lan toả thông điệp về chung tay giảm chất thải nhựa, đồng thời cũng là nơi để kết nối những nhà chuyên môn với những người quan tâm đến rác thải nhựa và môi trường. Đồng thời, website cũng là nơi diễn ra những triển lãm ảnh, trình chiếu những thước phim về môi trường.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường cho biết, các sản phẩm từ nhựa, nylon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người.
Tuy nhiên, đặc tính bền, khó phân huỷ của các sản phẩm nhựa, túi nylon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ và quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Việt Nam đã ban hành các văn bản quan trọng, chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa…
Hiện nay, Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường đang phối hợp với Sở Công thương Thành phố Hà Nội triển khai dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu tiêu thụ túi nylon dùng 1 lần ở Việt Nam.
Bà Fanny Quertamp, Chuyên gia cao cấp Dự án suy nghĩ lại về nhựa chia sẻ. “Chúng tôi rất tự hào khi đã thành lập được một liên minh bao gồm các nhà bán lẻ và các siêu thị và hiện nay đã có 14 thành viên tham gia vào liên minh này.
Rất khó để người tiêu dùng thay đổi hành vi của mình, tôi thấy rằng các chuỗi bán lẻ cũng như siêu thị đã có nhiều nỗ lực và thay đổi hành vi cung cấp hàng hoá để hướng tới việc cũng cấp hàng hoá xanh hơn, bền vững hơn”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm rác thải nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn nắm giữ vai trò then chốt trong giải quyết vấn đề, tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc, toàn cầu và loại bỏ ô nhiêm nhựa một cách toàn diện.
“Thông qua chiến dịch truyền thông này, chúng tôi hy vọng khuyến khích xu hướng giảm nhựa trong sản xuất và sản phẩm của các doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về ô nhiễm rác thải nhựa và sức mạnh của họ trong việc giải quyết vấn đề đó, gắn với những giá trị mới như là người tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm với xã hội, với tương lai”, bà Nguyễn Thị Diệu Thuý cho biết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại