Thứ sáu 24/01/2025 03:51

Lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng, chưa vàng về chất lượng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), “muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia”.

Thiếu lao động chất lượng

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 15-6 về vấn đề giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội , nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tác động của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.

Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu, rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng nhiều chuyên gia đánh giá lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng mà chưa vàng về chất lượng, thiếu hụt kỹ năng lao động, chưa linh hoạt về chuyên môn, đa phần phải qua đào tạo lại đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi kinh tế trong nước.

Nhiều năm gần đây, Việt Nam có nhiều học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, thành tích đó không phải là phổ biến. Ngoài ra, năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, yếu tố kỹ năng đã tăng 4 bậc, trong đó điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc. Đại biểu cho rằng đây là kết quả đáng khích lệ, nhưng xét toàn diện thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập. Quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ khoảng 24%.

lao dong viet nam chi vang ve so luong chua vang ve chat luong
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng trong khi lao động phổ thông dễ dàng tuyển đủ thì lao động kỹ thuật rất khó tuyển dụng. “Chúng ta kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhưng 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó trong việc tìm lao động chất lượng”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói.

Gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Khi nhà doanh nghiệp và nhà trường có cùng mục tiêu, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là tất yếu. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Làm sao để trong tương lai, nhà doanh nghiệp phải là người đầu tư chính, đồng thời dự báo, xác định nhu cầu của mình một cách rõ ràng, cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo. Có như vậy, nhà trường sẽ chủ động trong công tác tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Dung cũng cho rằng, cần tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp phải đưa ngay vào chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học theo “Chương trình 9+”(cách gọi tắt của chương trình được quy định để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng được giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ). Thực hiện tự chủ toàn diện, chuyển đổi hoạt động của các cơ sở công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tiếp tục thí điểm đào tạo cho sinh viên của các trường nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, để chủ động về nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của dịch C OVID-19 và cách mạng 4.0, yêu cầu sống còn đối với mỗi doanh nghiệp là phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là giải pháp tạm thời trong thời dịch mà còn là chủ trương nhất quán lâu dài. Để từ đó đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung: “Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28-5-2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới với các chính sách và giải pháp đồng bộ.

Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, tôi tin rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu Chính phủ đề ra”.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động