Liên cầu lợn: mối đe dọa từ thói quen ăn uống không an toàn và cách phòng tránh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Tay bệnh nhân chuyển màu đen do bệnh liên cầu lợn. |
Bệnh nguy hiểm nhưng dễ bị chủ quan
Liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra – một loại vi khuẩn thường tồn tại trong đường hô hấp trên của lợn, kể cả ở những con khỏe mạnh. Vi khuẩn này có thể lây sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn mang mầm bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, lòng tái, thịt sống…
Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh khởi phát nhanh với các triệu chứng giống cúm như sốt cao, đau đầu, buồn nôn. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng với hai thể chính: viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Cả hai đều có thể để lại di chứng nghiêm trọng hoặc gây tử vong.
Trong đó, viêm màng não mủ chiếm tỷ lệ lớn ở người mắc liên cầu lợn, với các biểu hiện như co giật, cứng gáy, rối loạn ý thức, điếc. Di chứng điếc vĩnh viễn sau điều trị được ghi nhận ở nhiều trường hợp. Thể nhiễm khuẩn huyết có thể gây sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, hoại tử chi, suy đa cơ quan và tử vong nhanh nếu không được điều trị tích cực.
Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có thể dao động từ 10% đến 17%, đặc biệt cao ở những bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng và suy đa tạng. Trong một số ổ dịch lớn như tại Trung Quốc (năm 2005), tỷ lệ tử vong từng lên tới gần 20%.
Thống kê từ Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho thấy, từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương đã ghi nhận 31 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có một ca tử vong. Riêng trong tháng 6, số ca mắc tăng gấp hơn 4 lần so với 5 tháng trước đó. Đáng chú ý, nhiều trường hợp không rõ yếu tố dịch tễ, không nuôi lợn nhưng vẫn mắc bệnh do tham gia sơ chế thịt hoặc ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
Trong tuần qua, TP Hà Nội ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn. Bệnh nhân nữ, 72 tuổi, địa chỉ Hát Môn, khởi phát bệnh ngày 24/6 với biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, cứng gáy, nhập Bệnh viện Bạch Mai được chọc dịch não tủy xét nghiệm nuôi cấy dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Từ đầu năm đến nay, CDC Hà Nội đã ghi nhận 5 ca mắc liên cầu lợn.
Yếu tố nguy cơ hàng đầu hiện nay là thói quen ăn tiết canh, thịt lợn tái – những món ăn vẫn được nhiều người ưa chuộng vì cho rằng "tươi, ngon". Bên cạnh đó, người làm nghề giết mổ, buôn bán, chế biến thịt lợn nếu không sử dụng đồ bảo hộ, đặc biệt khi có vết thương hở, cũng là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh.
Một yếu tố khác cần được lưu ý là việc sử dụng rượu bia. Những người uống nhiều rượu thường có hệ miễn dịch suy yếu và đồng thời dễ có thói quen ăn thực phẩm sống, không đảm bảo vệ sinh. Đây là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn rõ rệt.
Phòng bệnh vẫn là biện pháp quan trọng nhất
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn thường ngắn, chỉ từ 1 đến 3 ngày. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể nhanh chóng tấn công hệ thần kinh Trung ương hoặc lan vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết. Việc nhầm lẫn triệu chứng ban đầu với cảm cúm hoặc ngộ độc thực phẩm khiến nhiều bệnh nhân tự điều trị tại nhà, đến khi nhập viện thì đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc cứu chữa.
Phác đồ điều trị hiện nay chủ yếu dựa trên các kháng sinh như penicillin, cephalosporin thế hệ 3, vancomycin. Tuy nhiên, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang gia tăng, đặc biệt là tại các vùng có sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi, đòi hỏi giám sát kháng sinh chặt chẽ và lựa chọn kháng sinh phù hợp theo kết quả cấy máu, kháng sinh đồ.
Dù liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người dân nâng cao ý thức và tuân thủ các khuyến cáo từ ngành Y tế. Một số biện pháp cơ bản gồm:
- Không ăn tiết canh, thịt tái, lòng non chưa nấu chín.
- Chỉ mua thịt lợn có kiểm dịch thú y, không dùng thịt lợn có màu sắc lạ, phù nề.
- Đeo găng tay, đồ bảo hộ khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống, đặc biệt nếu có vết thương hở.
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến, phân biệt dụng cụ dùng cho thịt sống và thịt chín.
- Khi có triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn sau khi tiếp xúc với thịt lợn sống, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, công tác phòng chống dịch tại các địa phương cũng cần được tăng cường, trong đó bao gồm kiểm tra, giám sát lợn bệnh, xử lý lợn chết đúng quy trình, sát khuẩn chuồng trại, và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nguy cơ từ bệnh liên cầu lợn.
![]() | Hà Nội: tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng |
![]() | Hà Nội: sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, ghi nhận ca mắc liên cầu lợn mới |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại