Thứ năm 23/01/2025 20:10
Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Dự án Ethanol Phú Thọ

Lợi dụng tiền góp vốn để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 9-3, HĐXX TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo trong vụ án liên quan đến Dự án Ethanol Phú Thọ…

70% phải đi vay!

Tại toà, bị cáo Trần Thị Bình, Phó Tổng giám đốc PVN, khai, tham gia và giữ chức Phó Ban chỉ đạo triển khai dự án nhiên liệu sinh học. Bị cáo có ký công văn gửi PVOil, các cổ đông... với tư cách Phó Tổng giám đốc đề nghị các cổ đông xem xét năng lực và nhu cầu thực tế của dự án để giao thầu cho PVC với hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định hiện hành.

Còn Vũ Thanh Hà, Tổng Giám đốc PVB cho biết, dự án Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng trong đó vốn tự có 30% và 70% phải đi vay. PVB lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức chìa khóa trao tay nhưng khi chấm thầu đã thấy các doanh nghiệp dự thầu đều không đạt tiêu chí theo yêu cầu.

“Giai đoạn này, PVB đã nhận được văn bản của Tổng giám đốc PVC, thành viên thuộc PVN, đề nghị hạ thấp tiêu chí đầu thầu và cho được chỉ định thầu. Sau đó, PVB còn nhận được nhiều văn bản của PVN chỉ đạo phải giao thầu cho liên danh của PVC” – lời Hà.

Cũng theo bị cáo, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên danh. Bị cáo đã tiếp cận nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC và lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ định thầu cho PVC là trách nhiệm.

Bị cáo Lê Thành Thái, Trưởng phòng kinh doanh PVB, thành viên tổ thẩm định cho biết thời điểm đó, PVB chỉ định thầu cho liên danh của PVC vì nghĩ PVC chỉ xây dựng các công trình phụ trợ, cấp thoát nước; các hạng mục quan trọng sẽ do nhà thầu nước ngoài trong liên danh phụ trách. Đến năm 2013, bị cáo mới biết liên danh các nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực.

Lợi dụng để mua đất...

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đỗ Văn Hồng, Giám đốc PVC Kinh Bắc khai, không dám kiện hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác để đòi nợ vì vị trí của Trịnh Xuân Thanh quá cao.

Lợi dụng tiền góp vốn để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại toà.

Theo các cơ quan tố tụng, năm 2009, Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) góp 2,5 tỷ đồng (5%) để thành lập PVC Kinh Bắc và ký Hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Polyester Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch PVC bàn bạc với Đỗ Văn Hồng về việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng. Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng. Bị cáo Thanh đồng ý và thống nhất sẽ dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo Hợp đồng số 173 nói trên nhằm có tiền mua đất dù việc này trái hợp đồng.

Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp 21 tỷ đồng còn lại cho đủ 150 tỷ đồng.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh lợi dụng việc này để hợp thức hóa 25 tỷ đồng dùng để mua đất Tam Đảo. Bị cáo Thanh yêu cầu cấp dưới tại PVC làm thủ tục chuyển số 25 tỷ đồng tạm ứng theo Hợp đồng 173 thành tiền góp vốn, nâng tỷ lệ góp tại PVC Kinh Bắc lên 15,67%.

Cùng với đó, Trịnh Xuân Thanh lập Cty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán. Năm 2016, Cty Mai Phương cùng khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng.

Lợi dụng tiền góp vốn để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo
Đại diện VKSND tham gia phiên toà.

Cáo trạng xác định, Trịnh Xuân Thanh lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo. Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, bởi ông Thanh mua đất khiến PVC thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.

Trước HĐXX, bị cáo Hồng thừa nhận, đã giúp Trịnh Xuân Thanh mua khu đất tại Tam Đảo nói trên và đến nay, bị cáo Thanh vẫn nợ 3 tỷ đồng. Về khoản tiền này, đại diện VKSND hỏi: “Bị cáo không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh?”, Hồng đáp, có đòi tiền ông Trịnh Xuân Giới nhưng không nghĩ đến việc đi kiện.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc

Trong phần xét hỏi, trả lời những câu hỏi của HĐXX, ông Thăng nói, không liên quan đến việc chỉ định nhà thầu không đủ năng lực cho dự án Ethanol Phú Thọ, dẫn đến thiệt hại 543 tỷ đồng.

Là Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, nhiệm vụ của bị cáo chỉ là đôn đốc tiến độ thực hiện. Các nội dung khác, chủ đầu tư là Cty CP Hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) phải tự chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Về gói thầu TK05 trị giá 59 triệu USD của Nhà máy Ethanol Phú Thọ, bị cáo không có bất kỳ chỉ đạo nào.

Theo VKSND TC, trước khi PVB tổ chức đấu thầu, ông Thăng chủ trì nhiều cuộc họp của PVN, định hướng "ưu tiên giao cho PVC" các công trình trong ngành dầu khí. Bị cáo biết rõ liên danh nhà thầu của PVC không đủ năng lực nhưng trong cuộc họp ngày 7-5-2009, vẫn chỉ định nhà thầu này thực hiện dự án, thay vì mở đấu thầu rộng rãi.

Về việc này, ông Thăng thừa nhận có chủ trì, tham gia một số cuộc họp "nhưng những cuộc họp nào thì không nhớ". Bị cáo có giới thiệu PVC nhưng không có bất kỳ văn bản nào giới thiệu hay ra nghị quyết định hướng để PVC làm nhà thầu chỉ định.

"PVB là đơn vị độc lập, không thuộc PVN nên chủ đầu tư này không có nghĩa vụ phải báo cáo việc lựa chọn nhà thầu cho PVN, cũng không có lý do gì phải làm theo chỉ đạo của bị cáo" - lời ông Thăng.

Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hầu tòa trong vụ án Ethanol Phú Thọ
Hoãn phiên toà xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh liên quan đến vụ Ethanol Phú Thọ
Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động