Luật sư phân tích hành vi mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyễn Văn Tâm được xác định là đối tượng giả danh lãnh đạo để lừa tiền. (Ảnh: CACC) |
Mạo danh lãnh đạo để lừa đảo
Tội phạm lừa đảo qua điện thoại, trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, các đối tượng mạo danh các đồng chí lãnh đạo gọi điện thoại cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người thân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người cả tin và bị lừa.
Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận tin báo có đối tượng mạo danh đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gọi điện thoại cho người thân đồng chí mượn tiền, kêu gọi góp vốn đầu tư. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo, còn giả giọng nói giống như giọng của đồng chí Bí thư Thành ủy khiến người thân lúc đầu phân vân. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác cao độ, nghi ngờ đây là thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại nên người thân của đồng chí đã không nghe theo, đồng thời trình báo cơ quan Công an.
Tiếp nhận tin báo, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã giao Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác truy vết, nhưng với tinh thần quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm lừa đảo giấu mặt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng phối hợp đã bắt giữ được đối tượng mạo danh để lừa đảo là Nguyễn Văn Tâm (SN 1985, trú tại ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Qua đấu tranh, bước đầu đối tượng khai nhận, dùng nhiều số điện thoại thuê bao không chính chủ (sim rác) mạo danh đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công ty xổ số kiến thiết một số tỉnh, thành rồi gọi điện thoại cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người thân của các đồng chí này để mượn tiền, kêu gọi đầu tư nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi các nạn nhân sập bẫy, chuyển tiền thì đối tượng nhanh chóng rút ra chiếm đoạt, đồng thời chặn số điện thoại, cắt liên lạc.
Bằng thủ đoạn tinh vi trên, đối tượng Tâm đã lừa đảo được nhiều nạn nhân, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan Công an mở rộng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân được pháp luật hình sự bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an ở địa phương và gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng Nhân dân.
Về xử lý hành chính, căn cứ theo Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân thì với hành vi mạo danh người khác để lừa đảo mà chưa đến mức xử phạt hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung khi bị xử phạt hành chính vì hành vi mạo danh người khác để lừa đảo là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Hành vi dùng thủ đoạn gian dối giả mạo người khác để chiếm đoạt tài sản sẽ bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trở lên thì tùy theo mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người phạm tội có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất đó là tù chung thân.
Chuyên gia pháp lý cho biết, cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ, xác minh và đưa ra kết luận cuối cùng về giá trị tài sản mà đối tượng chiếm đoạt và số lần đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để áp dụng các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trong đó mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập, bị cáo sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 2 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Căn cứ để xử lý hình sự hai đối tượng cho vay lãi nặng gần 400% năm | |
Thanh thiếu niên chặt biển số xe sẽ bị xử lý thế nào? | |
Tình huống pháp lý vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại