Thứ năm 23/01/2025 20:07
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 25/7, phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Thủ đô sửa đổi cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, việc quy định cơ chế chính sách đặc thù với Thủ đô là rất cần thiết...
Chủ tịch Quốc hội:Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Chiều 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng chủ trì.

Cùng chủ trì cuộc làm việc còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Dự cuộc làm việc có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành của T.Ư; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội...

Cuộc làm việc đã đánh giá về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội:Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

Tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm sâu sắc đối với Thủ đô, nhất là về 3 nội dung lớn: Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hà Nội; Tình hình triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để TP Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng bộ Thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược, căn cơ lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô. Đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, toàn diện trên các lĩnh vực.

“Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, tôi xin tiếp thu và sẽ cụ thể hóa thành các kế hoạch tổ chức thực hiện các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và của các Ban, Bộ, ngành T.Ư tại cuộc làm việc để xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội:Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Không cứng nhắc trong thực hiện cơ chế, chính sách

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy Thành uỷ Hà Nội đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đạt kết quả khá toàn diện, rất quan trọng. Hà Nội sớm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cách làm của Hà Nội rất bài bản, từ xây dựng chương trình hành động, các nghị quyết chuyên đề, các đề án, chương trình, kế hoạch, sơ kết, tổng hết, nhân rộng mô hình... Trong quá trình xây dựng chỉ đạo thực hiện nghị quyết, Hà Nội đã chung sức sơ kết các nghị quyết của Trung ương.

Ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các cân đối lớn được đảm bảo, thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, chi ngân sách điều hành chủ động, linh hoạt... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đánh giá, rà soát sâu hơn theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ với để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bù vào thời kỳ dịch bệnh. Trong đó, cần rà soát khả năng hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Rà soát, đánh giá thêm chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của thành phố; Tiếp tục rà soát chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX..., làm rõ nguyên nhân thấp.

Đối với những đề xuất của thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là những đề xuất có cơ sở, xuất phát từ thực tiễn, các bộ, ngành sẽ có rà soát, tổng kết, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới. Với những nội dung thuộc nghị định, thông tư thì Chính phủ và các bộ. Những nội dung thuộc trách nhiệm của Quốc hội sẽ sửa đổi hoặc ban hành nghị quyết giải quyết những vấn đề cấp bách, đột xuất theo thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội:Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Quang cảnh cuộc làm việc chiều 25/7.

Về Dự án Luật Thủ đô, đây là cơ hội lớn để tạo lợi thế cho Hà Nội phát triển lên vị thế mới của đất nước, khu vực. Sửa đổi Luật Thủ đô cần bám sát chủ trương, chính sách, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị trên cơ sở gắn với thực tiễn - đây là cơ sở quan trọng để căn cứ đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, việc quy định cơ chế chính sách đặc thù với Thủ đô là rất cần thiết. Các cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô khác với luật hiện hành về từng lĩnh vực, đồng thời phải phù hợp với quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng. Xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật chuyên ngành của Quốc hội sẽ ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội , các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô về tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, bế tắc, giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay. Trước hết là cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng như xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, giải quyết các vụ án tồn đọng... Có những nội dung có cơ sở chính trị rõ nhưng pháp lý không đủ thì không làm được. Vì vậy phải luật hóa.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô sửa đổi lần này sẽ khớp so với hiện hành. Quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù phát triển Thủ đô như tài chính ngân sách, cơ chế chính sách liên kết phát triển vùng Thủ đô... để đưa Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững, kinh tế - xã hội xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Đồng thời không quá cứng nhắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội:Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Thành ủy Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có 3 nội dung quan trọng phải sớm trình Quốc hội là Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô. Với tinh thần tích cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai tốt nhất, nhanh nhất các quy định liên quan đến Thủ đô.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng Luật Thủ đô, đề nghị tiếp tục tham khảo ý kiến các trí thức, các tầng lớp Nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Cùng với đó tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật.

"Các Ủy ban của Quốc hội theo chức năng của mình có trách nhiệm thẩm tra kỹ lưỡng dự thảo Luật. Thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông tới mọi người dân Thủ đô và cả nước để đóng góp ý kiến xây dựng Luật với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ.

"Đề nghị Luật phải đảm bảo kế thừa những quy định còn có giá trị của Luật hiện hành. Kế thừa và luật hoá nghị quyết của Quốc hội về Thủ đô và các nghị quyết ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành cho phù hợp" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hà Nội huy động hiệu quả nguồn lực, tập trung cho các trụ cột phát triển
Hà Nội: Bộ máy chính quyền phường tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả
Đẩy mạnh triển khai chủ trương lớn, dài hơi để Thủ đô Hà Nội phát triển
Thịnh An - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
kinhtedothi.vn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động