Thứ năm 23/01/2025 20:16

Mắc chứng viêm não tự miễn hiếm gặp, người đàn ông xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, mất nhận thức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam 57 tuổi trong tình trạng rối loạn tâm thần, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất nhận thức...
Mắc chứng viêm não tự miễn hiếm gặp, người đàn ông xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, mất nhận thức
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo đó, trước khi vào viện khoảng 7 tháng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng yếu tay, chân trái kèm theo biểu hiện loạn thần nhẹ. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện khám, được chụp CT sọ não và chẩn đoán và điều trị theo hướng nhồi máu não. Sau điều trị 7 ngày sức cơ cải thiện nhanh chóng, tình trạng lâm sàng bệnh nhân có cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, đến ngày 18/7/2023, bệnh nhân xuất hiện có cơn co giật, sau cơn có trạng thái kích động, bệnh nhân được chuyển ra Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng: Rối loạn tâm thần, kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất nhận thức người thân; Co giật toàn thân, co giật liên tục, không liệt mặt, không rối loạn nuốt, không rối loạn cơ tròn; Không sốt, hội chứng màng não âm tính.

Bệnh nhân được khảo sát cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm dịch não tủy và các xét nghiệm cơ bản sàng lọc độc chất, bệnh chuyển hóa.

Với tình trạng lâm sàng rối loạn tâm thần 3 ngày, co giật liên tục nhiều cơn trong 3 ngày đầu, kèm theo những bất thường về hình ảnh học và xét nghiệm dịch não tủy ban đầu, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra hướng chẩn đoán theo dõi viêm não căn nguyên chưa xác định. Bệnh nhân được điều trị triệu chứng: thuốc cắt cơn giật, dinh dưỡng bảo vệ tế bào thần kinh, thuốc chống loạn thần.

Sau 5 ngày điều trị lâm sàng, tình trạng bệnh nhân có cải thiện hơn: hết loạn thần, còn rối loạn trí nhớ, trả lời còn lẫn lộn thiếu chính xác, cơn co giật được kiểm soát. Bệnh nhân được chụp lại cộng hưởng từ sọ não đánh giá tổn thương và xét nghiệm dịch não tủy lần 2, kết quả tổn thương không thay đổi, nhưng tổn thương mới hiện rõ ràng hơn; protein dịch não tủy 0,84 g/l; tế bào: 3 tế bào.

Với bệnh sử từ trước kết hợp với lâm sàng khởi phát bởi co giật và rối loạn tâm thần và bất thường trong dịch não tủy, các bác sĩ trong trung tâm đột quỵ đã hội chẩn và nghĩ nhiều đến viêm não tự miễn và chỉ định xét nghiệm một số xét nghiệm viêm não tự miễn (làm tại bệnh viện Nhi trung ương) và kết quả mẫu huyết thanh của bệnh nhân dương tính với kháng thể kháng LGI1 (Leucine-rich glioma-inactivated 1). Kháng thể LG1 là một trong 6 loại tự kháng thể phổ biến trong bệnh viêm não tự miễn đang được xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định và điều trị theo hướng viêm não tự miễn với phác đồ cơ bản là corticoid liều cao, thuốc bảo vệ dinh dưỡng thần kinh, thuốc chống cơn giật và tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện nhanh chóng.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân được chụp lại CHT sọ não đánh giá lại; xét nghiệm dịch não tủy và ra viện dùng thuốc duy trì và tái khám. Tình trạng ra viện tỉnh hoàn toàn, không loạn thần, không co giật, không yếu chi. Các lần tái khám sau 15 ngày, sau 1,5 tháng, sau 3 tháng bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng tái phát.

Theo các bác sĩ, viêm não tự miễn là dạng viêm não xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khoẻ mạnh ở não bộ, là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây viêm não. Đây là bệnh lý có thể gây ra các suy giảm nhanh chóng về cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần. Tự kháng thể liên quan tới viêm não tự miễn có thể được tìm thấy trong máu hoặc dịch não tuỷ của một số bệnh nhân.

Viêm não tự miễn có thể liên quan tới các tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus trước đó, các bệnh lý tự miễn hoặc các khối u (khối u buồng trứng, khối u tinh hoàn,…). Trong nhiều trường hợp, bệnh lý này chưa được nhận diện và chẩn đoán chính xác, có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần kinh khác.

Ngày nay, sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, đặc biệt là xét nghiệm phát hiện các tự kháng thể, đã cải thiện tỷ lệ phát hiện bệnh. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh như tàn phế và tử vong.

Mắc căn bệnh hiếm gặp, cô giáo mầm non liệt tứ chi, suy hô hấp
Căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tâm thần
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động